Những con đường mòn dẫn du khách đến với thiên nhiên hoang dã và chạy song song với những con mương huyết mạch dẫn nước tới mọi ngóc ngách của Madeira (Bồ Đào Nha). Nếu đi theo những con đường mòn ấy bạn sẽ hiểu thêm nhiều về hòn đảo xanh này.
"Tuyệt diệu! Không thể tưởng tượng nổi! Quá kinh ngạc!" - Jane và Charles thốt lên liên tục.
Họ là những người sinh ra ở Vương quốc Anh và rất tự hào được làm công dân của nước này. Khi được chiêm ngưỡng những bụi cây Erica arborea đầy hoa thì họ, đôi vợ chồng đã về hưu đến từ Oxford, cũng không thể kìm nén nổi cảm xúc và đã thốt lên những lời khen trên.
Loài hoa này cũng sống được ở Anh, ngay cả trong vườn nhà họ, nhưng chúng thật yếu ớt và nhỏ bé, chỉ cao vài cm và thi thoảng lắm mới trổ vài bông hoa nhợt nhạt.
Thung lũng 25 suối nguồn là highlight của tour đi thăm hệ thống thủy lợi Levada
Ở độ cao 890m họ đã được chiêm ngưỡng những cây hoa Erica arborea khổng lổ: cao 6m, hoa trắng muốt nở kín cả thân cây. Cứ như những đứa trẻ con vừa được tặng quà, xuýt xoa và háo hức, rồi từ chỗ háo hức họ đã chuyển sang chụp ảnh liên tục từ mọi góc độ.
Đôi vợ chồng già thuộc một nhóm trekking và Leonardo, người hướng dẫn bản địa, đã dẫn họ cùng cả đội trekking dọc theo con mương mang tên Levada do Caldeirão Verde.
Hoa Aloe vera trên đường đi tham quan
Trekking theo hệ thống thủy lợi chằng chịt dọc theo các con mương dài đến 2.000km là một trong những điểm chính của ngành du lịch trên hòn đảo này. Những con mương (tiếng Bồ Đào Nha là levada) là những mạch máu của Madeira, một hệ thống tưới tiêu rất tinh vi, đưa nước tới những vùng đất khô cằn bên gần bờ biển cũng như lên những triền đồi dốc của hòn đảo lắm đồi núi này từ cách đây 600 năm.
Con mương Levada do Risco chỉ là một trong rất nhiều mương trong hệ thống thủy lợi ở Madeira
“Những con mương đầu tiên được người Bồ Đào Nha xây dựng ngay sau khi họ chiếm lĩnh vùng đất này vào thế kỷ 15” - Leonardo giải thích với đoàn người Anh, những người ham học hỏi. Nhiều người đã ghi chép lại rất cẩn thận.
“Thực tế thì người Bồ Đào Nha đã lên dự án và thiết kế, nhưng thực hiện những công việc nặng nhọc nhất lại là các nô lệ châu Phi” - Leonardo nói thêm.
Những mảnh đời cùng cực vì nước
Và bạn có thể tưởng tượng được công việc của những người nô lệ thuở ấy nặng nhọc thế nào không? Để có những hào dẫn nước họ đã phải đào đá trên những triền đồi dốc ngược ở một độ cao đến chóng mặt. Phía trên họ là những cai quản Bồ Đào Nha tay lăm le những chiếc gậy, phía dưới là vực sâu thăm thẳm, phía trước là những người cùng cảnh ngộ đang phải nai lưng đào đá bằng đục và búa thật gian khổ và họ không có chọn lựa nào khác. Những mảnh đời cùng cực vì nước và nhiều cái chết cũng vì nước!
Có bao nhiêu nô lệ đã bỏ mạng trong công cuộc xây dựng những đường mương dẫn nước này không ai được biết và cũng không có sách vở nào thống kê. Những chiếc thánh giá cũng như những cái tên khắc lại trên đá chỉ sau này mới có - "João Mascareñas, 25-4-1928, yên nghỉ vĩnh hằng" - những con mương vẫn còn được xây dựng cho đến gần giữa thế kỷ 20 và kể cả khi ấy nhiều công nhân cũng vẫn phải bỏ mạng khi thực hiện các công trình này.
Người Bồ Đào Nha thuở ấy rất cần nước để trồng khoai tây, mía, rau và nho. Khi họ đến đây chiếm lĩnh hòn đảo vào thế kỷ 15 thì tất cả chỉ là rừng, không có gì khác ngoài cây và gỗ. Trong khi đó đất ở đây, trên hòn đảo của núi lửa một thời, lại rất màu mỡ và phía trên núi kia nguồn nước lại rất phong phú. Từ các khe núi đổ ra hàng ngàn thác, tạo thành các bậc thang thác, nhưng nguồn nước quý giá đó phần lớn lại ngấm vào đất rừng, thật là phí phạm!
Việc thiết kế và xây dựng những mương dẫn nước, thường rộng khoảng 1m và sâu khoảng nửa mét, quả là một thành quả phi thường của những kỹ sư người Bồ Đào Nha thuở ấy. Họ lấy những kiến thức này ở đâu để phác thảo và thực hiện một công trình vĩ đại như thế vẫn là vấn đề còn được tranh cãi. Nhiều nguồn dẫn chứng cho thấy người Trung Quốc còn có những công trình thủy lợi lâu đời hơn như thế và có thể người Bồ Đào Nha đã học được cách làm của người Trung Quốc chăng?
Đi bộ theo hệ thống mương máng
Jane và Charles thấy quá thú vị khi được tìm hiểu về hệ thống thủy lợi này, và bây giờ họ đang trên con đường mòn tiến lên phía trên núi, dọc theo mương nước đang chảy róc rách.
Nhẩn nha là tốc độ của các tour trekking ở đây, các tour có thể kéo dài vài tiếng, thật sự thì những đoạn đường quá dốc rất hiếm. Điều này cũng dễ hiểu vì để dẫn nước những con mương này không thể làm dốc ngược lên được. Do vậy mà ngay cả những người già cũng có thể tham gia những cung trekking tương tự ở Madeira và qua đó họ cũng được khám phá trái tim xanh của hòn đảo này.
Một rừng mây. Đoạn đường giữa Pico do Arieiro và Pico Ruivo là đoạn đường hấp dẫn
và khó đi nhất trên đảo này. Du khách phải vượt năm đường hầm qua núi
Cách đây 100 năm không ai ở Madeira có thể tưởng tượng được là có những người lại thích thú đi khám phá những vùng đồi núi rừng rậm xa xăm như thế này, và họ còn phải trả tiền để phải làm những việc "điên khùng" như thế.
Leonardo - anh hướng dẫn vừa kể vừa tủm tỉm cười - không người dân nào của đảo Madeira và cũng không có bất cứ người Bồ Đào Nha nào có thể hiểu nổi những người Anh, Đức hay Pháp lại có thể có những hobby kỳ quặc đến như thế. "Nếu người Bồ Đào Nha mà đi dã ngoại đến vùng núi nào đó thì họ sẽ đi ôtô đến điểm gần nhất với chỗ họ muốn đến, rồi làm một cuộc picnic tại một điểm gần nhất".
Và như vậy họ đã bỏ phí cơ hội được chiêm ngưỡng và khám phá những mặt tuyệt vời nhất của chính quê hương họ. Bởi lẽ vẻ đẹp của Madeira người ta chỉ được thưởng thức khi đi trekking. Như cung đường đến với "lòng chảo xanh" (Caldeirão Verde) cũng thế. Bên trái cung đường là những vách núi dựng đứng và ẩm ướt, bên cạnh con mương, tiếp đến là đường mòn chạy dọc bờ mương, còn bên phải là vực sâu với những thảm thực vật ngút ngàn và người ta có cảm giác như đang được sống trên thiên đàng, như không có chuyện Eva và Adam đã bị đẩy khỏi thế giới huyền ảo kia.
Tour bắt đầu trên độ cao 1.818m ngay phía dưới Pico do Arieiro. Cần khoảng 6 tiếng để lên tới Pico Ruivo
Một điều rõ ràng nhất trên những cung đường này là sự bình yên. Chỉ có tiếng nước chảy chầm chậm, rất hiếm khi người ta được nghe tiếng chim hót. Tiếng nói chuyện và chính cả những người tản bộ ở đây cũng bị cánh rừng nguyên sinh nuốt hết vào trong lòng của nó. Một mùi ngai ngái của rêu và tảo tỏa trong không khí, rồi mùi của bạch đàn hay mùi của lá cây trắc bá - tất cả hòa quyện vào nhau. Cành cây có mấu có mắt của những cây khổng lồ vươn ra cả ngoài đường.
"Chú ý, cúi đầu xuống" - Leonardo lưu ý mọi người. Thi thoảng những cây đổ chắn ngang giữa đường, cành cây đầy lá che hết cả lối đi. Từng bước từng bước trong vài cây số như thế trên con đường mòn dẫn du khách dần lên cao để rồi bất chợt họ đứng trước một vách núi cao ngất tưởng như không có lối thoát.
Qua hầm xuyên núi với đèn pin
Leonardo yêu cầu mọi người bỏ đèn pin ra. Jane, Charles và tất cả mọi người lục balô của mình để lấy đèn. Nhưng làm gì bây giờ? Sau khi nhìn kỹ khắp lượt mọi người mới thấy một lỗ trên vách đá chỉ cao khoảng 1,6m, con mương cũng biến mất vào trong núi như đoàn người đi trekking. Mọi người phải lom khom đi theo hàng một.
Lúc đầu mọi người còn cười nói như học sinh đi dã ngoại, nhưng càng đi sâu vào trong càng tối và không khí càng ngột ngạt hơn. Jane lúc này chỉ còn biết giữ chặt chiếc đèn pin của bà. Đoạn đường này không dành cho những người sợ chật chội. Nhưng Leonardo trấn tĩnh: "Tôi đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm". Mọi người đều thở dài nhẹ nhõm khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời cũng như một bụi dâu đón chờ ở phía bên kia..
Vào hầm qua núi trong chuyến trekking
Trên tuyến đường dài hơn 4 tiếng mọi người phải chui qua ba đường hầm và đây không phải là điều hiếm trên các tuyến đường dọc theo các con mương ở Madeira. Các nhà tổ chức tour này khuyên du khách nên chuẩn bị đèn pin tốt cũng như đi những đôi giày chống thấm.
Cung đường tiếp tục dẫn mọi người qua những khe núi cao và những thác nước tuyệt đẹp. Điểm vào màu xanh của rừng nguyên sinh là những vạt hoa rực rỡ: hoa tử dương và hoa phong lan đủ màu sắc.
Phần chính của tour là men theo những vách đá dựng đứng
Thi thoảng Leonardo dừng lại và giải thích về các loài động thực vật sống ở đây. Những cuốn sổ ghi chép của các du khách Anh đã dần kín đặc tên các loài cây như Cryptomeria japonica, Ocotea foetens, Clethra arborea và Vaccinium madeirensis. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn!
Và nếu ai tưởng rằng đã biết hết và được chiêm ngưỡng hết màu xanh của hòn đảo này thì đã nhầm vì phía cuối con đường còn có một lòng chảo xanh đang đợi họ. Cách về bên phải vài bước là một đoạn đường dốc. Charles không muốn đi tiếp, ông cần một chút nghỉ ngơi và ngồi xuống trên một phiến đá trong khi những người còn lại tiếp tục khám phá con đường phía trước.
Rừng cây Lorbeer như trong chuyện cổ tích đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1999
Jane vẫn nghe văng vẳng tiếng rì rầm từ phía xa xa và nhất định muốn thấy tiếng động ấy phát ra từ đâu. Cùng một vài người nữa bà đi tiếp lên phía trên và cuối cùng đứng trên miệng của một lòng chảo tròn khoảng 50m đường kính tuyệt đẹp, cứ như là thánh thần đang ngồi nấu một bát súp khổng lồ!.
Trên bức tường dựng đứng của lòng chảo đã bị tảo, rêu và dây leo chằng chịt, sâu khoảng 100m và phía dưới là một hồ nhỏ nước xanh ngắt như là cướp mất màu xanh của bầu trời. Và tiếng nước đổ rì rầm của một con thác tuyệt đẹp từ độ cao khoảng 100m đổ xuống hồ.
Du khách trên đường trekking lên Pico do Arieiro
"Tuyệt diệu! Không thể tưởng tượng nổi! Quá kinh ngạc!". Chỉ có Charles là không được tận mắt chiêm ngưỡng và cũng không được cùng mọi người ngợi ca cảnh sắc nơi này.
Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.
Bạn đang xem bản tin Điều kỳ diệu từ những mương nước ở Madeira
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Nam Hải (Theo Thorsten Kolle - Tấm Gương) / tuoitre.vn