Ngày nay, khi đến thăm Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách được chiêm ngưỡng khu vườn bia nơi lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ khắc họ tên, quê quán của 1.307 vị Tiến sĩ đỗ đạt trong các khoa thi được tổ chức từ 1442 đến 1779 dưới thời Lê - Mạc. 81 khoa thi dưới Triều Lê và 1 khoa thi dưới Triều Mạc tại đây tạo thành một bảo tàng lộ thiên độc đáo khắc họa lại bức tranh sinh động về nền giáo dục Việt Nam thời phong kiến.
>> Văn Miếu – biểu tượng của nền giáo dục nước nhà
Việc dạy và học Nho học ở nước ta bắt đầu từ Triều Lý, hoàn thiện và phát triển qua các Triều đại Trần – Hồ, đặc biệt phát triển dưới Triều Lê; kết quả đã đào tạo ra hàng nghìn nhân tài. Lịch sử đã cho thấy dù ở thời nào thì việc phát triển nền giáo dục, đào tạo nhân tài cũng đều được các bậc Đế vương coi trọng. Sự kiện năm 1484, Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu là một bằng chứng hùng hồn cho tinh thần đó.
Câu nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” khắc trên tấm bia của khoa thi năm 1442 luôn được coi là kim chỉ nam cho tinh thần giáo dục của dân tộc. Tinh thần đó không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà còn mang ý nghĩa phổ biến đối với mọi quốc gia và mọi thời kỳ lịch sử.
Không chỉ thể hiện đường lối trọng dụng nhân tài, nội dung những bài ký trên bia còn là những bài học răn dạy, nhắc nhở trách nhiệm của các nhà tri thức đối với đất nước: “kẻ sĩ được khắc tên vào tấm đá này, thật may mắn biết bao! nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau ” (văn bia khoa thi 1487); và kẻ sĩ trên cơ sở đó “hãy làm mây lành sao tỏ nêu điểm tốt cho đời, làm ngọc sáng, vàng ròng để làm kho báu cho nước” (văn bia khoa thi 1514); hoặc “thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng, người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục” (văn bia khoa thi 1577).
Một nền giáo dục được thực thi với chủ trương và tôn chỉ hành động như vậy quả là một nền giáo dục tiến bộ, nghiêm túc và lý tưởng. Những lời lẽ hùng hồn trên văn bia đã khắc họa lại tinh thần đó thật rõ nét.
Ngoài ra, 82 tấm bia Tiến sĩ mỗi còn mang trên lượng thí sinh, tên và quê quán người đỗ, tên các quan coi thi, chấm thi, ngày vào thi Đình, ngày yết bảng xướng danh... Căn cứ vào các thông tin đó, chúng ta có thể đánh giá về tình hình phát triển giáo dục thời Lê – Mạc. Những số liệu về số lượng các thí sinh tham dự các khoa thi Hội trung bình một năm là từ 2.000 đến 3.000 người cho ta thấy một bầu không khí khoa cử thật nhộn nhịp và phát triển theo chiều hướng gia tăng. Nếu như trong khoa thi năm 1442 chỉ có 450 người dự thi thì khoa thi ngay năm sau đó (1448) đã có tới 750 thí sinh tham dự; đến khoa thi năm 1475 đạt con số về số lượng thí sinh là 3.000 người và kỉ lục cao nhất là khoa thi năm 1640 với 6.000 thí sinh tham dự. Số lượng các thí sinh ngày càng tăng cao đồng nghĩa với sự phát triển ngày càng rộng khắp của nền giáo dục đất nước.
Tuy nhiên, không vì số lượng các thí sinh dự thi đông mà yêu cầu về chất lượng của thí sinh bị xem nhẹ. Cũng qua những số liệu ghi trên bia ta thấy, số lượng Tiến sĩ lấy đỗ trong một khoa nhiều nhất là 62 người (khoa thi 1478), và ít nhất có những khoa cả nước chỉ lấy đỗ có 3 người (khoa thi năm 1592, 1667).
Những con số này chính là những minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học của dân tộc đã có từ ngàn đời nay. Trên những tấm bia Tiến sĩ, truyền thống này còn được khắc họa bằng những mảng màu tươi sáng khác. Đó là sự xuất hiện của những làng khoa bảng, dòng họ Tiến sĩ hiển thị dưới danh sách của các Tiến sĩ đỗ đạt. Đơn cử làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương có tới 25/36 vị Tiến sĩ đỗ đạt có tên trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu. Các dòng họ nổi tiếng như dòng họ Ngô, họ Hà, họ Vũ... cũng có rất nhiều người đỗ Tiến sĩ, có tên trên bia. Nhiều trường hợp cả cha con, anh em cùng được khắc tên lên bia (anh em Hà Sỹ Vọng, Hà Nhân Đại, cha con Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm...).
Trong số 1.307 nhà khoa bảng được lưu danh trên bia Tiến sĩ, nhiều người sau này đã trở thành những nhà hoạt động chính trị xã hội, nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng có nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho hậu thế như: Nhà sử học Ngô Sỹ Liên, Nhà toán học Lương Thế Vinh, Nhà bác học Lê Quí Đôn hay Nhà chính trị ngoại giao Ngô Thì Nhậm...
Như vậy, một nền giáo dục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, một chế độ thi cử nghiêm túc gặt hái nhiều trái ngọt đã được 82 tấm bia Tiến sĩ vẽ lại sinh động. Trong bức tranh đó cũng ghi nhận công lao to lớn của vị Hoàng đế thiên tài Lê Thánh Tông (vị Vua ra chiếu dựng bia) đối với nền văn hóa, giáo dục của đất nước. Đến tham quan vườn bia Văn Miếu trong những ngày này, khi 82 tấm bia Tiến sĩ vừa được công nhận là Di sản ký ức thế giới, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài của cha ông.
Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.
Bạn đang xem bản tin Bia tiến sĩ – Bức tranh sinh động về nền GD khoa cử Việt Nam thời phong kiến
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Đường Ngọc Hà / hoidisan.vn
Ảnh: Flickr