“Đến Nam Phi mà không được đắm mình giữa thiên nhiên và muôn loài hoang dã thì chưa thể nói đã đến châu Phi!”, người hướng dẫn nói với tôi như thế…
Từ thủ đô lập pháp Pretoria, chúng tôi xuôi theo quốc lộ N1 đến tỉnh North West. Sau khoảng 150 km thì rẽ vào một con đường khá vắng lặng, thi thoảng mới thấy những mái nhà co cụm. Bên đường những thảm cây bụi trải dài ngút ngàn, một Châu Phi hoang dã hiện ra trước mắt...
Khách sạn The Palace ở Sun City như một lâu đài cổ tích
Sun City – thành phố giữa rừng
Năm 1979, ông Sol Kerzner đã đi qua khu vực này và bị mê hoặc bởi phong cảnh cùng nét đẹp tự nhiên của miệng núi lửa cổ 1.300 triệu năm. Kinh nghiệm sinh trưởng trong gia đình chuyên kinh doanh khách sạn đã làm Kerzner nảy ra ý tưởng xây dựng một thành phố giữa rừng. Sun City ra đời từ đó.
Ẩn sau lưng ngọn núi thấp, Sun City mở ra là những con đường rợp bóng cây. Khách sạn The Palace mang dáng dấp một toà lâu đài bị “thất lạc” giữa rừng hoang như trong các câu chuyện cổ tích. Bên ngoài là rất nhiều tượng hươu, nai, báo chưa kể đến các loại dây leo, cây cỏ, cây bụi được điêu khắc khắp trên tường, trên nóc trần của khách sạn gợi lên không gian rừng Phi châu xa xưa. Từng là nơi tổ chức các cuộc thi hoa hậu thế giới hay đón tiếp ông hoàng nhạc pop Michael Jackson, khách sạn The Palace chẳng khác nào một thiên đường giữa rừng xanh hoang dã, và còn hơn thế nữa, từ cửa sổ “toà lâu đài”, tôi có thể nhìn thấy cả biển, rừng cây, tiếng muông thú và cả những trận động đất làm mọi người giật mình… tất cả đều là nhân tạo.
Những ngày ở Sun City, tôi bất ngờ nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của một người phụ nữ đứng tuổi có dáng người nhỏ bé. Bà có mối liên hệ rất đặc biệt với Việt Nam, chồng của bà chính là tổng giám đốc đầu tiên của khách sạn Equatorial tại Sài Gòn. Herliane Portenschlager (HP) – hiện là giám đốc PR và tiếp thị của khu resort Sun City và cũng là một trong những người sáng lập khách sạn The Palace. Sinh ra ở Hà Lan mang hai dòng máu Indonesia – Hà Lan, cưới chồng người Áo, HP có thể nói viết được bảy thứ tiếng (Hà Lan, Áo, Đức, Pháp, Anh, Indonesia, Afrikan – ngôn ngữ chính của Nam Phi).
Mười tám năm ở Sun City, bà đã dành trọn tình yêu với khu giải trí này. HP yêu cái không khí, hơi thở của khu bảo tồn Pilanesberg, yêu những cô bé cậu bé da đen có đôi mắt to tròn. Vì thế, mặc dù đã có cháu nội, cháu ngoại, HP vẫn không nghỉ ngơi mà lại càng yêu thích làm việc. Mọi người ở Sun City từ người đầu bếp, bồi bàn đến viên quản lý khách sạn đều gọi bà trìu mến là “mama”. Sáu đứa trẻ mồ côi cũng được bà mang về nuôi khi chúng cận kề cái chết bởi bị bỏ rơi, bị chôn sống theo hủ tục của thổ dân…
Bà HP cho biết, để khám phá Sun City người ta cần ít nhất bốn ngày, mà một trong những “đặc sản” ở đây là xuyên rừng xem “top 5” – nhóm năm loài động vật lớn ở châu Phi bao gồm báo, sư tử, tê giác, trâu và voi…
Nơi con người tạo ra hoang dã
Buổi sáng ở Pilanesberg trời rất lạnh, gió thốc từng cơn rét căm căm. Tôi háo hức trèo lên thùng xe đặc chủng chuyên băng rừng, thành xe được thiết kế khá cao để tránh thú dữ tấn công.
Mak – anh lái xe kiêm hướng dẫn viên cho biết, ở những công viên khác thường có sẵn hệ sinh thái, riêng Pilanesberg phần lớn do bàn tay con người. Vào những năm 80 thế kỷ trước, họ đã mang về đây hơn 6.000 loại thú hoang dã từ khắp nơi như ngựa vằn, nai, sư tử, linh dương, hươu cao cổ,… tạo nên môi trường sống cho chúng trên diện tích 55.000ha sát ngay khu resort Sun City. Khu bảo tồn Pilanesburg hiện có khoảng 1.800 loại thú phân bổ một cách tự nhiên từ vùng rừng cây bụi đến thảo nguyên, trong những đầm lầy ẩm ướt hay những trảng cỏ tranh…
Tay không rời bộ đàm, Mak liên tục hỏi thăm về những đoàn xe khác đang ở trong công viên vì anh vừa phát hiện ra dấu chân của ba con sư tử lớn. Nó có thể là một con đực và hai con cái. Chiếc xe lùi lại một hồi lâu nhưng có vẻ vẫn không có nhiều hy vọng, chúng tôi đành phải tiến lên phía trước.
Những đoàn gnu (linh dương đầu bò) đông đúc, có vẻ quá quen với sự có mặt của những chiếc xe. Thấp thoáng sau những thảm cỏ vàng là những tấm lưng của đàn ngựa vằn đang gặm cỏ. Thi thoảng người ta đốt một góc trảng cỏ để tạo ra tro, cung cấp thêm muối cho các loài như ngựa, trâu, gnu,… Xa hơn chút nữa là đoàn linh dương lmpalla, Mak dí dỏm chỉ cho chúng tôi chú linh dương đực với chiếc sừng nhọn dài gần 1m: “lmpalla đực là một trong những loài bận rộn nhất, một anh chàng linh dương Impalla kia có thể phải quản lý đến 40 cô trong đàn của nó”.
Công viên Pilanesburg được bao phủ bởi hệ thống 200km đường và du khách có thể chọn nhiều hình thức như tự lái xe, lái xe có hướng dẫn hay đi bộ băng rừng. Trên khắp châu Phi, ngoại trừ công viên quốc gia Nairobi ở Kenya, Pilanesberg là công viên dễ tiếp cận với các loài động vật hoang dã nhất.
Đang lần tìm dấu vết những loài thú hoang dã, thì bỗng Mak thắng gấp, sát vệ đường một đàn voi đang ăn lá rừng. Con voi đầu đàn nhìn thẳng vào xe chúng tôi rồi lừng lững tiến lại gần. Tôi hơi rùng mình nín thở bởi đây thực sự là những chú voi hoàn toàn hoang dã. Mak nhoẻn miệng cười trấn an, nguyên tắc ở công viên là khi thú đi qua đường các phương tiện di chuyển phải ngưng lại nhường đường. Đàn voi không thèm đoái hoài gì đến chúng tôi và tiến về phía núi.
Phía trước mặt lại xuất hiện hai mẹ con tê giác trắng, chú tê giác nhỏ nép mình vào bên mẹ một cách bình thản. Giữa chúng tôi và những loài thú hoang nơi này dường như đã có một thoả thuận, “vùng đất này là của tất cả chúng ta”. Chưa bao giờ tôi có được cảm giác được gần với thiên nhiên và muôn loài như thế…
Bạn đang xem bản tin Du lịch Nam Phi: Những ngày hoang dã ở Pilanesberg
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Sưu tầm