Từ những hình chạm khắc trên các trống đồng Đông Sơn, hình ảnh con thuyền đã gắn liền với đời sống hàng ngày và công cuộc giao thương suốt lịch sử Việt Nam. Hơn 3000km bờ biển và cũng ngần ấy chiều dài sông nước đã chứng kiến sự chuyển hoá của con thuyền Việt từ Bắc chí Nam, tạo nên một tập hợp chủng loại đa dạng bậc nhất thế giới.
|
Minh chứng văn hóa
“Biết bao màu sắc để chiêm ngưỡng! Biết bao khám phá dành cho nhà nghiên cứu!” Ông giám đốc Sở Ngư Nghiệp Sài Gòn Jean-Baptiste Pietri từ năm 1943 đã ngỡ ngàng thốt lên như thế về sự hấp dẫn của thuyền Việt Nam khi trút những dòng chữ say sưa vào cuốn sách “Voiliers d’Indochine” chuyên khảo về thuyền Đông Dương. Đó là cuốn sách đầu tiên mô tả toàn diện khoảng 25 kiểu thuyền buồm khu vực này, bao gồm cả các phương pháp đóng thuyền và những đặc điểm phân biệt cùng với 70 hình vẽ chất lượng cao.
Ngày xưa, thuyền Việt Nam dùng lực đẩy bằng mái chèo và cánh buồm. Chính những phương pháp động lực đã tạo nên tính đa dạng đặc biệt và biến thể theo vùng miền. Ngày nay, những đặc điểm chính để phân biệt các loại thuyền Việt là hình dạng của thân thuyền và kỹ thuật đóng thuyền.
Do hòa trộn văn hóa trên diện rộng, ngày nay ta dễ dàng thấy những loại thuyền tiêu biểu hầu như ở bất kỳ đâu dọc biển bờ chữ S, đặc biệt là ở những trung tâm ngư nghiệp lớn như Đà Nẵng hay Vũng Tàu. Tuy vậy, những vùng xa xôi hơn, tính chất đa dạng vùng miền được bảo tồn tốt hơn và dễ xác định hơn.
Người Việt Nam đầu tiên công bố những nghiên cứu sơ bộ về văn hóa thuyền Việt chính là Trương Vĩnh Ký. Năm 1875, ông đã xuất bản một ghi chép chỉ có hai trang về các loại thuyền khác nhau của Việt Nam. Ghi chép của ông chỉ là những phân loại khái quát – thuyền sông, thuyền biển, thuyền quân và thuyền quan – với hơn chục kiểu thuyền, mỗi kiểu có mấy dòng mô tả vắn tắt về loại gỗ làm thuyền, địa phương và đặc tính sử dụng. Tuy sơ lược, ghi chép của Trương Vĩnh Ký vẫn có giá trị lịch sử quan trọng về những loại thuyền hiện hữu vào thời kỳ đó.
Nhưng thuyền Việt đã quyến rũ những nhà hàng hải Pháp trước đó và các nhà nghiên cứu ở Trường Viễn Đông Bác Cổ sau này. Đô đốc Pháp François-Edmond Pâis (1806-1893) qua những chuyến hải trình đã khám phá được những truyền thống hàng hải phong phú ở các vùng nước ngoài châu Âu. Vừa là tướng lãnh hải quân vừa là nhà khoa học, Paris đã đặt nền móng cho khoa dân tộc học hàng hải ngày nay. Ông tin rằng “chiếc thuyền là một minh chứng quan trọng của một nền văn hóa cần gìn giữ”.
Bằng những sơ đồ, bản vẽ màu nước và phác họa chính xác, ông đã viết cuốn “Essai Sur La Construction Navale Des Peuples Extra-Européens” xuất bản 1843. Đó là một pho khảo luận công phu về cách đóng tàu thuyền của các nước ngoài châu Âu với 133 hình vẽ, trong đó có năm tranh màu nước vẽ các loại thuyền Đông Dương. Nội dung cuốn sách này cũng đề cập hết sức chi tiết về cách đóng sáu loại thuyền ở Nam Kỳ, Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Tourane (nay là Đà Nẵng) trong đó có ghe ngo và ghe mành.
|
Đa dạng và độc đáo
“Những nỗ lực sáng tạo tượng trưng cho nền văn hóa hàng hải của xứ Đông Dương này mới phong phú dường nào!” Jean-Baptiste Pietri đã cảm khái như thế khi nghiên cứu 25 kiểu thuyền buồm An Nam nhưng quân đội Mỹ 20 năm sau lại không có cái nhìn lãng mạn như thế dành cho thuyền Việt.
Cục Dự Án Nghiên cứu Cao cấp của quân đội Mỹ năm 1967 đã xuất bản một cẩm nang “Blue Book of Coastal Vessel, South Vietnam” (Sách Xanh về tàu thuyền duyên hải Nam Việt). Để sử dụng cho mục đích quân sự, cẩm nang này không quan tâm đến phương pháp đóng tàu thuyền, cấu tạo, chất liệu hay địa phương tính – những cơ sở khoa học -- mà chỉ tập trung vào việc nhận dạng chính xác hình dáng trên mặt nước các loại thuyền Việt. Tuy không có nhiều giá trị cho nghiên cứu hàn lâm, cẩm nang này là một tàng thư đồ sộ về ảnh chụp tàu thuyền Việt Nam cho thấy được sự đa dạng của một nền văn hóa hàng hải mà các nhà nghiên cứu sau này khẳng định là thuộc loại độc đáo và phong phú nhất thế giới.
Thuyền miền Bắc thường đóng theo kỹ thuật làm vỏ trước, làm khung sườn sau. Đáy thuyền bằng phẳng và sống thuyền nhô cao ở hai đầu. Xuôi dòng Nam tiến, thuyền Việt đến Bắc Trung bộ lại dần dần mang đặc điểm khác. Thuyền nan bắt đầu phổ biến hơn. Đây chính là kiểu thuyền độc đáo của Việt Nam. Dù thuyền nan bây giờ có mặt khắp nơi trong nhiều hình dạng khác nhau nhưng khu vực Bắc Trung bộ chính là cái nôi sinh ra kiểu thuyền này.
Tới Huế, thuyền gỗ lại xuất hiện trong hình thức thân có đáy nhọn với cấu trúc hỗn hợp giữa gỗ và nan tre. Đến Nam Trung Bộ, thuyền lại lột bỏ lớp áo nan tre chỉ làm toàn bằng ván gỗ. Thuyển ở vùng này làm làm theo cách ngược lại – làm khung sườn trước. Thuyền Nam bộ cũng đóng theo cách làm khung sườn trước nhưng kiểu thuyền biến đổi rất đa dạng – đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long– từ ghe nhỏ gia dụng cho tới tàu hàng dài đến 20m.
Những cánh buồm cũng thay đổi hình dáng, từ buồm hình thang miền Bắc sang buồm tam giác ở miền Trung rồi trở thành buồm vuông ở miền Nam. Hình dáng và cơ chế vận hành của bánh lái và trục lái cũng thay đổi theo vùng miền. Cả cách chèo thuyền cũng khác. Chèo thuyền bằng chân là cách chèo độc đáo Việt Nam. Dù ngày nay phổ biến cả nước nhưng xuất xứ của nó ngày xưa là từ miền Bắc. Và những con mắt ở mũi thuyền cũng có nhiều kiểu sơn vẽ biến đổi theo địa phương.
Theo tiến bộ thời đại, vật liệu làm thuyền phong phú thêm. Ván gỗ và nan tre vẫn là vật liệu chính nhưng nhôm tái chế từ những chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh lại trở thành vật liệu làm thuyền. Ngày nay một số nơi còn dùng cả sợi thủy tinh. Nhưng dù ứng biến linh hoạt với mọi chất liệu, thuyền Việt vẫn trung thành với những đặc tính của cội nguồn văn hóa.
|
Lãnh vực còn bỏ ngỏ
Người Pháp say mê thuyền Việt biết bao! Sau công trình nghiên cứu đầu tiên của Đô đốc François-Edmond Pâris, 15 kiểu thuyền Đông Dương lại được mô tả chi tiết về kiểu dáng và cách đóng thuyền trong một di cảo của Louis-Théophile Audermard (1865-1955). Phần này nằm trong tập cuối của bộ sách khảo cứu đồ sộ 10 tập xuất bản sau khi Audermard qua đời. Nhà hàng hải Pháp này chủ yếu nghiên cứu về thuyền Trung Hoa nhưng ông không thể bỏ qua sự độc đáo của những con thuyền Việt.
Cùng với giám đốc Sở Ngư Nghiệp Sài Gòn Jean-Baptiste Pietri, các nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ như Pierre Paris và Jean-Yves Claeys đã dày công nghiên cứu thuyền Việt và xuất bản những chuyên khảo tỉ mỉ. Những mô hình thuyền thu nhỏ còn lưu giữ ở Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội hiện nay là do Claeys thực hiện từ đầu những năm 1940.
Thuyền Việt vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà nghiên cứu Pháp sau 1954. Nếu như Guy Moréchard phải lòng những chiếc thuyền chài Nha Trang thì M. Girard lại si tình những chiếc thuyền thúng. Hầu hết các công trình nghiên cứu về thuyền và văn hóa thuyền Việt đều của các tác giả Pháp mặc dù từ nửa đầu thế kỷ 20, giáo sư sử học Shinji Nishimura ở Đại học Waseda (Nhật Bản) cũng đã quan tâm đến thuyền Việt Nam. Trong vòng 15 năm kể từ 1917, Nishimura đã xuất bản tám tập khảo cứu về thuyền cổ của Nhật có đối chiếu với thuyền của các nước châu Á khác. Những chiếc thuyền nan đặc biệt của xứ Đông Dương cũng đã được giáo sư này đưa vào tập 4 trong bộ sách chuyên khảo ấy.
Tuy nhiên, sau 1945, không còn những công trình nghiên cứu toàn diện như các bộ sách của Paris, Audermard hay Pietri. Các nhà nghiên cứu sau này chỉ công bố những chuyên luận hay những bài báo khoa học tập trung vào một loại thuyền hay một đặc tính văn hóa thuyền Việt. Cuốn “Blue Book” 1967 của quân đội Mỹ tuy đồ sộ và phong phú hình ảnh nhưng khi chiến tranh kết thúc, giá trị còn lại của cuốn cẩm nang quân sự này là khơi nguồn cảm hứng cho các nhà nghiên cứu hàng hải.
Các nghiên cứu trong lãnh vực này của người Việt trong nước cũng ít được biết đến vì ít được công bố hoặc dịch ra các ngôn ngữ quốc tế. Văn hóa thuyền Việt vẫn là một ngành nghiên cứu hẹp, chỉ thu hút một số ít người say mê. “Hiếm, hiếm thay những người bỏ công gìn giữ hình ảnh của nó, mô tả dáng vẻ của nó, nói đến sự thơ mộng của nó”. Lời cảm thán của Pietri từ 1943 bây giờ vẫn được nhắc lại trong những báo cáo khoa học và những luận văn chuyên ngành. Những con thuyền ngày ngày vẫn ngược xuôi sông biển, nhưng ngoài phương tiện giao thông, vận tải và ngư nghiệp, giá trị của một một nền văn hóa thuyền Việt dường như chưa được quan tâm đúng mức ngay trên đất Việt.
Bạn đang đọc từ: baotangtonducthang.com - Liukei
Theo: Trần Ngọc Đăng - SGTT