Nếu không có những ngày rong ruổi tìm thượng nguồn dòng sông Gâm theo hướng đông sang tây rồi bắc xuống nam, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu chốn sơn cùng thủy tận vùng đông bắc Việt Nam này.
Núi non hùng vĩ hai bên bờ sông Gâm - Ảnh: Trần Thế Dũng
Ðiểm khám phá đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là vùng đất Na Ðộng (xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), nơi sông Gâm khởi nguồn từ Trung Quốc trườn qua vùng núi Bảo Lạc đổ về rồi mở rộng đón thêm dòng Nho Quế chảy từ cao nguyên đá Ðồng Văn xuống. Ðó cũng là dòng sông gắn liền với mạch sống, ngọn nguồn văn hóa, tình cảm của người Mông, Tày, Nùng, Dao... sống bao đời nơi đây.
1. Quốc lộ 34 nối Lý Bôn - Pác Miều và Bắc Mê - Hà Giang hầu hết là đường đèo quanh co uốn lượn trên sườn núi chênh vênh, nhìn xuống vực sâu là dòng sông len lỏi dưới chân núi như đang dưỡng sức trước khi vật lộn với thác ghềnh dữ dội phía hạ lưu.
Trong ký ức những tay săn cá lão luyện dọc ghềnh thác sông Gâm, đoạn giáp ranh giữa Cao Bằng - Hà Giang xưa cũng là vùng tập trung, sinh sống của cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng, cá bông, cá chiên - năm loại cá quý nhất sông ngòi miền Bắc được dân chài ví von "ngũ quý hà thủy". Trong đó cá anh vũ thường tiến vua chỉ sống nơi hang ngầm sâu thẳm trên thượng nguồn, nước xiết.
Suốt chiều dài 217km chảy vào địa phận Việt Nam, sông Gâm còn hào sảng ban cho người dân bản địa nhiều mỏ tôm, cá. Trong đó nổi tiếng nhất là mỏ tôm Pó Củng ở thị trấn Yên Phú, Bắc Mê. Theo ông Nguyễn Ngọc Liêu, dân cố cựu Bắc Mê, ngày xưa ở đây tôm nổi đen đặc, nhiều vô số kể, dân bản thường luân phiên ra đặt lọp bắt tôm chia đều lộc của trời. Tôm Pó Củng rang lên vỏ đỏ au, thịt ngọt và chắc. Ðáng tiếc mấy năm nay nước sông dâng cao ngập tràn mỏ, tôm rủ nhau bỏ đi nơi khác.
Cảnh đẹp như chốn bồng lai ở hẻm Núi Đổ - Ảnh: Trần Thế Dũng
Bắc Mê đón chúng tôi bằng những cơn gió se lạnh của buổi chiều vừa tắt nắng. Con đường dẫn vào trung tâm thị trấn sạch sẽ, rợp bóng cây xanh. Phố xá yên tĩnh với hơn chục cửa hiệu thông ra bờ sông, vài con đường xương cá ngắn ngủi "đi dăm bước đã về chốn cũ".
Trước đây vùng đất này khá hẻo lánh, thường xuyên bị cô lập vì địa hình chia cắt, nhiều dốc cao, hay bị sạt lở. Từ năm 2008, sau khi cửa đập công trình thủy điện Tuyên Quang đóng lại, hơn 20 km dòng chảy sông Gâm thuộc địa phận Bắc Mê được dâng cao, hòa cùng khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Bắc Mê mới thật sự "mở cửa" đường thủy hướng về miền xuôi.
Sáng sớm, sương mù còn phủ khắp núi rừng mênh mông và tĩnh lặng. Trên bến đò Bắc Mê, nằm gần cầu treo Yên Phú những chiếc thuyền máy vẫn nằm im lìm như chưa tỉnh giấc ngủ sâu. Chúng tôi rời bến bắt đầu giang trình tới Na Hang, một thị trấn ven sông mà từ trước đến nay tôi chưa từng nghe tiếng.
Rời bến không lâu, con sông xanh biếc vốn chảy chậm bất ngờ uốn mình khép lại theo hình thắt cổ chai đưa thuyền vào khe Núi Ðổ, địa danh hẻm núi với hai vách đá thẳng đứng cao chót vót tới mức những đám mây trắng bồng bềnh thay nhau sà xuống bủa vây. Ðó là cảnh sắc có một không hai trên dòng sông Gâm, vừa tuyệt đẹp, kỳ ảo nhưng cũng mang tới cảm giác lo lắng, sợ một tai ương nào đó sẽ xảy ra như chính cái tên của nó.
Xuôi dòng - Ảnh: Châu Anh
Sau khi băng qua những cánh rừng đặc dụng Bắc Mê, dòng sông bỗng mở rộng mênh mông, có thể cảm nhận được sắc thái khác của thiên nhiên. Nếu ở mạn ngược rừng xanh ngút tầm mắt, núi đá đan xen núi đất, khí hậu ẩm ướt thích hợp làm ruộng bậc thang hoặc vườn cây ăn trái thì càng về Tuyên Quang núi cao sông rộng, nước xanh ngăn ngắt, mây trời khoáng đạt phù hợp phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch.
Ðây cũng là cung đường tuyệt đẹp với những dãy núi đá mờ sương, trùng điệp trải dài đôi bờ; những cánh rừng già âm u, thanh vắng; những bản làng dân tộc Mông mộc mạc, cheo leo bên thác nước; những chiếc thuyền con lặng lẽ buông câu dưới vách đá mọc đầy hoa rừng...
Ðiểm nhấn của lòng hồ Na Hang là quần thể Vài Phạ (cọc cột trâu trời theo tiếng dân tộc Tày) với một cột đá sừng sững cao gần 100m tính từ đáy sông được kiến tạo tầng tầng lớp lớp từ những phiến đá mỏng trông rất kỳ lạ giữa 99 ngọn núi đá vôi tạo hình ngoạn mục.
Cọc cột trâu, cột đá cao gần 100m tính từ đáy sông - Ảnh: Trần Thế Dũng
Thêm 20km, bến Na Hang hiện ra trước mặt. Chúng tôi quyết định thả thuyền trôi tự do về phía lòng hồ, cũng là nơi hợp lưu giữa một bên sắc màu ngọc bích rạng rỡ của sông Gâm, một bên là gam màu xanh rêu từ cửa sông Năng vùng Bắc Cạn chảy xuống trước khi tiếp tục theo tám cửa xả đáy công trình thủy điện Tuyên Quang chạy tuôcbin phát điện.
Nhìn sang hướng bắc là núi Pác Tạ cao sừng sững uy nghi như án ngữ che chắn thuyền bè không bị sóng to, gió lớn. Pác Tạ còn là tên ngôi đền mới được phục dựng trên sườn núi thờ phụng nàng ái thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật đã sa chân bỏ mình trên dòng sông Năng trong chuyến kinh lý cùng chồng năm xưa.
Giang trình dài hơn 80km kết thúc chính nơi sông Gâm chấm dứt vai trò lịch sử của nó khi đã đem lại lợi ích kinh tế cho con người. Ðó cũng là chiều dài hành trình khám phá mà chúng tôi đã trải qua như một giấc mơ đẹp.
Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.
Bạn đang xem bản tin Xuôi dòng sông Gâm
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Trần Thế Dũng / tuoitre.vn
Tags: hang động kỳ ảo, núi non hùng vĩ, sông, hồ,