Về Hà Tiên, du khách ghé Ngã Ba Hòn lên tàu ra Hòn Nghệ để viếng Liên Tôn cổ tự. Đây là một ngôi chùa cổ kính, hoang sơ với cảnh quan tuyệt đẹp.
>>> Du lịch Hà Tiên. Đi đâu, chơi gì?
>>> Di tích họ Mạc ở Hà Tiên
>>> Hà Tiên - Mảnh đất đầu ngọn gió
Liên Tôn cổ tự
Sau hai giờ hải hành trên biển với gió thường cỡ cấp 2, cấp 3, tàu cập bãi Nam của Hòn Nghệ. Từ phía biển, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh non nước hữu tình của hòn đảo xinh đẹp này. Ấn tượng đầu tiên là tượng Phật Bà Quan Âm cao 20m đứng uy nghi, tự tại giữa lưng chừng núi Lầu Chuông. Đây là ngọn núi đá vôi bị xâm thực nên có hình dáng đẹp, kỳ vĩ với nhiều hang động bí hiểm.
Khách sang thuyền nhỏ vào bờ. Sau mươi phút nghỉ ngơi đã có thể bắt đầu khám phá Hòn Nghệ. Chùa cổ Liên Tôn là điểm đến chủ yếu của chuyến đi.
Liên Tôn cổ tự có từ rất lâu đời, nằm cheo leo dựa lưng vào vách núi. Bạn phải qua hàng trăm bậc đá ngoằn ngoèo, quanh co, lúc lên cao, khi xuống thấp. Gần tượng Phật Bà có Hòn Đá Chuông kỳ lạ, dùng một cục đá nhỏ gõ vào, đá sẽ vang lên tiếng “boong... boong... boong...”, như tiếng chuông chùa ngân nga, đồng vọng.
Đến gần chùa, bên trái vách núi là một quần thể tượng các vị La Hán bằng đá trắng được tạc đẽo, tạo dáng rất công phu, tỉ mỉ và thanh thoát. Trên bề mặt của một tảng đá to sau lưng vườn tượng, nước mưa chảy, gió biển mài mòn, xâm thực lâu ngày tạo thành những dòng chữ lạ lùng.
Chánh điện chùa cổ nằm sâu trong hang đá chừng 20m, phải đi theo một lối mòn hẹp mới đến được chỗ thờ Phật, nơi đây nở rộng ra chừng 80m2. Quanh vách động có nhiều hình tượng lạ lùng do nước xoi vào đá tạo nên như rồng, voi, sư tử, beo, cọp...
Trên nóc động có vài lỗ thông gió, ánh sáng rọi xuống hang tạo thành những vệt sáng xiên xiên mờ ảo... Ở sân chùa, có một cây bồ đề cổ thụ cành lá sum sê.
Tượng Phật Bà Quan Âm ở núi Lầu Chuông
Đêm trên chùa Liên Tôn sẽ cho bạn nhiều cảm xúc. Vào những ngày có trăng từ mồng 10 đến sau rằm, cảnh vật núi Lầu Chuông và biển Hòn Nghệ đẹp như chốn non bồng. Biển sáng lấp lánh với muôn vàn vẩy bạc ánh lên từ những ngọn sóng có khi lăn tăn, yên ắng, cũng có lúc trắng xóa, bạc đầu. Chùa cổ như trầm tư trong làn sương mỏng huyền hoặc, thâm u. Du khách mơ màng trong tiếng trống mõ, chuông chùa hòa với tiếng sóng biển vỗ xào xạc vào những ghềnh đá hoang sơ...
Chúng tôi theo sư Thích Minh Công khám phá hang Phật Cô Đơn. Đường đi qua nhiều ngóc ngách quanh co lắt léo, có khi phải bò qua những mỏm đá. Hang nhỏ bằng một gian phòng khách, có một tượng Phật lẻ loi bằng đá, khoác áo cà sa màu gạch tôm mà ai đó đã đặt chẳng biết tự bao giờ. Từ cửa hang có thể nhìn thấy biển đẹp như bức tranh thủy mặc...
Tiếp đến là hành trình dài chừng 100m khám phá hang Gia Long dành cho những ai thích mạo hiểm. Hang nằm sát biển ở độ cao trên 10m, vách gần như thẳng đứng. Có hai con đường đi đến hang, một dọc theo mép biển, hai vượt qua đỉnh núi đá tai mèo cheo leo. Cả hai con đường này rất hiểm trở với gành đá, vực sâu, núi cao, gây cảm giác mạnh cho khách.
Vào các dịp lễ hội hoặc những ngày rằm lớn, khách hành hương từ các nơi vượt biển đến với chùa Liên Tôn khá đông đúc, nhộn nhịp. Mọi người như trút hết những phiền não, tĩnh tâm chiêm nghiệm lời kinh tiếng kệ ấm trầm ngân vọng giữa chốn thiền lam u nhã...
Hòn Nghệ với Liên Tôn cổ tự và các hang động như hang Phật Cô Đơn, điện Sư Tổ Đạt Ma, hang Quýt, hang Gia Long với những truyền thuyết và huyền thoại ly kỳ vẫn còn ẩn giấu rất nhiều điều bí mật, lạ lùng đang chờ được du khách khám phá!
Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.
Bạn đang xem bản tin Ra Hòn Nghệ viếng chùa Liên Tôn
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Đăng Hoàng Thám (Cần Thơ) / tuoitre.vn