Chùa Pitu Khôsắ Răngsây (phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) xây dựng năm 1948, đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Năm 2008, chùa được khởi công trùng tu và đã hoàn thành vào cuối tháng 4-2012. Hiện nay, chùa Pitu Khôsắ Răngsây được đánh giá là một trong những ngôi chùa hoành tráng và đẹp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, quanh năm tiếp đón khách du lịch hành hương khắp nơi và đông đảo bà con người Khmer miền Tây Nam bộ chiêm bái.
Du khách có thể xin phép lên tầng tháp, gắn với mái chùa cong vút là phần cao nhất của chùa. Đi chung quanh bốn mặt của tầng tháp với lối đi rộng khoảng một mét, du khách sẽ tha hồ ngắm cảnh toàn thành phố Cần Thơ.
Chót tháp đổ bê tông mái lợp ngói. Trang trí hoa văn rồng Ăngkor cách điệu uốn lượn ở các bao lam mặt trước chánh điện, đầu rồng Ăngkor, tiên nữ Keynor - chim thần Krud, phù điêu thần chằn Hanuman, nữ thần Teppanom. Mái cong và tầng tháp cao nhất do nghệ nhân đắp tượng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu thực hiện.
Chính điện chùa Pitu Khôsắ Răngsây quay về hướng đông, gồm ba tầng và tầng tháp được xem như tầng thứ tư, được xây dựng bằng bê tông cốt thép tường gạch, chót tháp đổ bê tông mái lợp ngói. Bốn phía tòa chánh điện được trang trí bằng những hoa văn tinh xảo.
Du khách có thể vào chùa từ đường Lý Tự Trọng (công viên Lưu Hữu Phước) vào hẻm chừng 300 mét. Do chùa nằm trong hẻm nên hình ảnh ngôi chùa được hiện rõ và làm cho tầm nhìn được đẹp hơn.
Trong những phù điêu hoặc hình vẽ trang trí trong chùa thì “Rìa-hu” và “Chằn” là biểu tượng của cái ác. Rìa-hu được thể hiện gương mặt của một quái vật hung dữ với đôi mắt trợn trừng, với vành miệng rộng đang nuốt vòng tròn tượng trưng cho mặt trăng hoặc mặt trời. Truyền thuyết về Rìa-hu ăn mặt trăng và mặt trời giải thích hiện tượng nguyệt thực và nhật thực. Vì thế, khi có nguyệt thực hay nhật thực, người Khmer Nam bộ thường đánh trống khua mõ,… gây tiếng động để Rìa-hu nhả mặt trời hay mặt trăng ra. Ở các chùa Khmer Nam bộ, Rìa-hu được trang trí ở nhiều nơi, trên cổng chùa, trên vòm mặt tiền ngôi chánh điện, trên vòm cửa ra vào...
Tầng thứ tư của chùa là tầng tháp cao nhất còn là nơi lưu trữ Tam Tạng kinh bằng tiếng Ba Li và kinh bằng tiếng Việt. Chính giữa gian phòng là thờ xá lợi Phật.
Tầng trệt chính điện là một không gian thoáng rộng, tô vẽ hoa văn khắp gian. Chính giữa là tượng Phật Thích Ca bằng đồng sáng loáng, cao khoảng hai mét được thỉnh từ Thái Lan. Ngoài ra còn nhiều tượng Phật đứng và ngồi khác được xếp đặt thứ tự.
Vào tối thứ Bảy hằng tuần, chùa được thắp sáng bằng nhiều đèn phối màu. Nếu ngắm nhìn từ hồ Xáng Thổi cách chùa 100 mét, hình ảnh ngôi chùa sáng lung linh trên mặt hồ, nhất là vào những đêm trăng, trông rất đẹp.
Xem thêm:
> Ghositaram - vẻ đẹp đặc sắc ngôi chùa Phật giáo Khmer
> Du ngoạn xứ chùa Khmer
> Chùa Munir Ansay ở Cần Thơ
Bạn đang xem bản tin Pitu Khôsắ Răngsây - Ngôi chùa Khmer ở Cần Thơ
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Lâm Văn Sơn / TBKTSG Online