Có dịp ra thủ đô Hà Nội, bạn nên dành thời gian đến thăm Văn Miếu, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây có nhiều điều thú vị để bạn tìm hiểu và khám phá.
Theo sử sách, Văn Miếu được xây dựng vào tháng 10 năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám, kề sau Văn Miếu. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con cái các bậc đại quyền quý (nên gọi là Quốc Tử). Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con em thường dân học xuất sắc.
Khuê Văn Các
Kiến trúc Văn Miếu được bố cục theo trục Bắc Nam, phân chia thành từng khu riêng biệt, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hài… mang đậm sắc thái, truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt Nam.
Phía trước cổng Văn Miếu (Văn Miếu Môn) là tứ trụ (nghi môn) và hai tấm bia Hạ mã ( xuống ngựa) hai bên. Xưa kia có qui định, dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ. Tứ trụ được xây bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn, trên có hình 2 con nghê chầu vào. Người xưa cho rằng đây là vật linh thiêng có khả năng nhận ra kẻ ác hay người thiện. Hai trụ ngoài đắp nổi 4 con chim phượng xoè cánh chắp đuôi vào nhau. Cổng Văn Miếu được xây dựng theo kiểu tam quan hai tầng, ba cửa. Trên cổng có khắc chữ Văn Miếu Môn bằng Hán tự. Ngay trước cổng là đôi rồng đá được tạc vào thời Lê. Một đôi rồng đá thời Nguyễn cổng nằm ngay phía trong cổng.
Văn Trì (Ao Văn)
Ẩn mình trong bóng râm mát rượi của những hàng cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, những mái ngói thâm nâu, hồ nước xanh thẳm, những lối đi lát gạch, vườn hoa rực rỡ, những bức tường rêu phong…Văn Miếu hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính và tĩnh mịch. Với diện tích 54.331 m2, khuôn viên Văn Miếu được chia thành thành 5 khu riêng biệt: Khu thứ nhất bắt đầu từ cổng chính đến cổng Đại Trung (Đại Trung Môn). Cổng Đại Trung ba gian lợp ngói, hai bên hai cổng nhỏ là Thành Đức và Đạt Tài. Trên bờ nóc của cổng Đại Trung đắp hình 2 con cá chép chầu bình rượu với ý nghĩa cá chép vượt vũ môn hoá rồng. Cũng ngụ ý các giám sinh phải thi thố tài năng trong các kì thi.
Khu thứ hai từ cổng Đại Trung vào đến Khuê Văn Các (gác Khuê Văn). Khuê Văn Các được dựng năm 1805, với hình tượng sao Khuê mang tính biểu trưng cho văn học. Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường là cửa sổ tròn hình mặt trời. Hình tượng Khuê Văn Các mang ý nghĩa tất cả những tinh tú của bầu trời toả xuống trái đất là hình tượng Thiên Quang Tĩnh (Giếng Thiên Quang). Kiến trúc tuyệt diệu này đã tạo nên những giá trị văn học, triết học và giá trị tinh thần của cả dân tộc. Hai bên Khuê Văn Các là Bi Văn Môn (lời văn sáng đẹp về mặt âm điệu và ngôn từ) và Súc Văn Môn (lời văn hàm súc, ý tưởng cao sâu và sát thực) dẫn vào hai khu nhà bia tiến sĩ. Khuê Văn Các là nơi tổ chức bình các bài văn thơ hay của sĩ tử. Ngày nay, Khuê Văn Các được lấy làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Bia tiến sĩ - Bức tranh sinh động về nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời phong kiến
Khu thứ ba từ Khuê Văn Các tới cổng Ðại Thành (Ðại Thành Môn). Đây là khu vực chính của di tích Quốc Tử Giám - Văn Miếu. Giữa khu này có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh tức "Giếng soi ánh sáng bầu trời". Thiên Quang Tỉnh còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Giếng có tường bao quanh. Một con đường nhỏ lát gạch để dạo quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia. Vườn bia với 82 tấm bia Tiến sĩ của Việt Nam từ năm 1425 đến 1779, dựng hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mặt bia đều quay về phía giếng. Giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa trông thẳng xuống giếng. Các tấm bia được đặt trên lưng rùa, biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Trên các bia trang trí hình mặt trời, mây, hoa lá, ngọn lửa hay mặt trăng, thể hiện nhân sinh quan của người đương thời. Hàng năm, trước khi vào mùa thi, các sĩ tử lại nô nức kéo nhau vào Văn Miếu để chạm vào đầu rùa, hi vọng được đỗ đạt.
Nhà Thái học
Bước qua cửa Đại Thành, chúng ta sẽ tới khu thứ 4. Đó là một sân rộng lát gạch Bát Tràng. Hai bên phải trái là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu, trước đây thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử cùng các danh nhân văn hóa Việt Nam nổi tiếng thời Trần. Chính giữa sân là tòa Đại Bái Đường (nơi hành lễ trong các kì tế tự) trải suốt chiều rộng của sân, nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính và truyền thống.
Khu thứ năm, nằm sau khu Đại Bái, là khu đền Khải Thánh, thờ cha mẹ Khổng Tử, nối liền với khu thứ 4 qua Khải Thánh Môn. Nơi đây trước kia là trường Quốc Tử Giám (còn được gọi là nhà Thái học). Năm 1946, toàn bộ nơi này đã bị quân Pháp phá hủy. Công trình hiện nay được khởi công xây dựng lại vào tháng 7/1999 và hoàn thành vào năm 2000.
Bạn đang xem bản tin Thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá - baotangtonducthang.com
Theo: Giao Thủy / phunuonline.com.vn