Cái tên Đàn Tiên và chợ Mít Nài thỉnh thoảng vẫn còn đượcnhững người sống lâu ở Cần Thơ nhắc đến để chỉ chỗ đến cho xe ôm và xe lôi. Người địa phương đôi khi cũng thường nhầm lẫn giữa tên Đàn Tiên và Nàng Tiên vì ít người biết đến ý nghĩa của Đàn Tiên.
Sân Tiên trưởng chùa Hiệp Minh
Đến chùa Đàn Tiên (chùa Hiệp Minh số 97, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, TP. Cần Thơ - nơi còn lưu giữ nguyên vẹn gốc tích Tiên đàn), trước hết du khách sẽ đi qua cổng tam quan. Tam quan vẫn còn giữ được cánh cổng từ xưa làm bằng sắt tròn rất chắc chắn (do Sở Công Chánh thời Pháp thiết kế) gồm hai cánh kéo vào. Cổng được tôn tạo thành tam quan xây lại bằng gạch, vòm cong, mái đúc vào tháng 6 năm 2009. Cổng được trang trí bằng hoa văn họa tiết theo kiến trúc Phật giáo. Mặt ngoài và trong của cổng chính lẫn cổng phụ đều có câu đối ngụ ý tu tâm dưỡng tánh hướng về Phập pháp và Tiên đàn.
Từ bên kia đường Huỳnh Thúc Kháng nhìn sang thấy cột phướn vươn cao,
cổng và lối vào chùa bị che khuất bởi dãy nhà ven bờ sông.
Ở cổng chính bên ngoài có cẩn hai câu đối: Hiệp tánh lưu truyền tâm trí tuệ / Minh tâm gìn giữ đạo từ bi.
Và bên trong cũng có cẩn hai câu đối: Hiệp tâm học hỏi muôn lời kệ / Minh tánh trau giồi vạn ý kinh.
Bên ngoài hai bên cổng phụ có ghi bốn chữ “Trí tuệ - Từ bi” và hai câu đối:
Đàn lâm đệ tử thành tâm nguyện / Tiên đạo chúng sanh thiện ý nguyền.
Và bên trong hai cổng phụ cũng có ghi bốn chữ “Tu tâm - Dưỡng tánh” và hai câu đối:
Bồng lai tạm kiểng bền tâm giữ / Đệ tử Tiên Đàn gắng chí tu.
Đi thẳng vào trong chừng vài chục mét với hàng cây kiểng hai bên du khách sẽ bắt gặp một cây cột phướn trước sân chùa, cao 25 mét. Cột phướn được xây dựng vào năm 1935 do đốc công Trần Quang An hiến cúng.
Cột phướn cao 25 mét được xây dựng năm 1935 trước sân chùa Hiệp Minh.
Tương truyền rằng, một hôm, xe hơi riêng của ông An đang trên đường đi công tác bỗng dưng gặp một con kỳ đà to lớn bò ra cản đầu xe. Cùng lúc đó, phía trước đường, nơi xe ông sắp đi tới có xe gặp tai nạn chết người. Ông An về nhà kể cho mẹ nghe. Bà cho đây là một ‘điềm’ tốt lành, giúp cho con bà thoát nạn. Bà dạy ông Trần Quang An về chùa sám hối và nguyện cúng cột phướn trước sân chùa để tạ ơn cứu nạn.
Thời điểm này, với chiều cao 25 mét đứng sừng sững giữa không gian mênh mông của vùng rạch Cái Khế, cột phướn chùa Hiệp Minh như một kỳ tích về mặt kiến trúc và mỹ thuật. Cột được đúc bằng bê tông cốt thép hình bát giác, vòng tròn chân cột vừa cả hai người ôm. Đỉnh cột có cán treo phướn được kéo lên bằng dây cáp với ròng rọc thép. Lá phướn dài hơn 8 mét, rộng gần 60cm cột vào đầu phướn bằng gỗ được chạm trỗ rất công phu. Thân phướn bằng vải có viết cân đối dòng chữ Nho “Nam mô A Di Đà Phật - Đại phóng hào quang - Chứng minh”.
Vào dịp tết Nguyên Đán hàng năm, người ta “thượng phướn” từ ngày 30 tháng Chạp và “hạ phướn” vào hết ngày rằm tháng Giêng năm mới. Riêng những ngày đại lễ Vu Lan hàng năm, phướn được treo từ mồng Một đến hết tháng Bảy. Đến năm 2009, cột phướn được tôn tạo về mỹ thuật, làm thêm mô hình tòa sen sơn nhũ vàng ở chân cột; thân cột cao, thẳng vút được ốp bằng cánh sen nhũ vàng suốt lên tới đỉnh. Đỉnh cột được tạo hình đầu rồng cũng sơn nhũ vàng.
Đi thẳng vào trong chừng mười mét, du khách đến với hậu liêu. Trước hậu liêu là tượng Phật Quan Âm lộ thiên. Hậu liêu có 3 gian rộng và thoáng. Chính giữa là hương án thờ Phật Quan Âm bằng gỗ quý được chạm trổ công phu và thếp vàng. Phần đỉnh mái hậu liêu có tượng rồng chầu và xa luân tám cánh nhũ vàng. Hậu liêu là nơi thường xuyên tổ chức lễ cầu an, cầu siêu. Đặc biệt trong lễ tạ ơn Tiên Phật và Tiền vãng vào đêm 16 tháng Bảy (âm lịch) hàng năm có lễ dâng vật phẩm xôi, chè, bánh xếp, rượu, trà… với các bài phụng đặc trưng của Đàn Tiên.
Sau hậu liêu là sân Tiên trưởng. Sân Tiên trưởng chùa Hiệp Minh là một quần thể kiến trúc gồm sân kiểng và bàn Tiên trưởng. Khu sân có các cây kiểng quý hiếm có tuổi thọ đến trăm năm như kim quít, tùng, bách, sộp, khế, liễu… tô điểm cho vẻ thanh tao siêu thoát tựa chốn tiên bồng nên còn được gọi là ‘Bồng lai tạm kiểng’. Bàn Tiên trưởng được bày trí ngay trung tâm sân. Bàn Tiên trưởng gồm 1 bàn và 2 trường kỷ đúc bằng xi măng, mặt cẩn gạch men (mua từ bên Pháp) được đặt trên một bục cao gần mét. Bàn Tiên trưởng là nghi thờ các vị Thánh Tiên về ngọan cảnh và chứng đàn.
Tại đây, hàng năm đều tổ chức cúng ngoài trời đọc kinh Tiên Đàn. Hiện chùa Hiệp Minh còn giữ bản gốc kinh Tiên Đàn bằng gỗ trầm khắc chữ Hán trên hai mặt. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu quý về thuốc trị bệnh cứu người vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Giữa Sân Tiên trưởng và chánh điện là hòn non bộ. Chùa Hiệp Minh có hai hòn non bộ. Một trước chánh điện và một sau lưng chánh điện. Hòn non bộ là một kiến trúc mỹ thuật độc đáo được xây dựng kiên cố vào năm 1927. Đá trang trí được mang về từ Nha Trang. Nhóm kỹ thuật làm hòn non bộ là nghệ nhân từ Gò Công. Hòn non bộ cao hơn 6 mét nằm gọn trong hồ nước được xây dựng bằng đá tảng. Hòn non bộ như một hòn núi nhỏ trên có nhiều lối đi ngoằn ngoèo theo triền núi với những kiểng chùa thanh vắng, những hang động và thú rừng… Hòn non bộ như một cảnh tiên thoát tục của cõi thanh tịnh, vô vi.
Một lễ cúng có nghi thức kinh hành ở chùa Hiệp Minh.
Các vị bậc Tam, Tứ diệu cầm phang Phật đi vòng chung quanh bên trong chánh điện.
Chánh điện chùa Hiệp Minh được xây trên nền gạch cao 1 mét, chiều dài khoảng 40 mét, rộng 15 mét, theo hướng đông-tây, tường gạch mái ngói có lợp trần; đã được tôn tạo vào các năm 2003, 2009 với nền gạch men sáng sủa, các nghi thờ, các bức hoành phi liễn đối bằng gỗ mun chạm khắc tỉ mỉ và được sơn son thếp vàng. trên nóc được đúc hình rồng trang trí hoa văn, hoạ tiết và xa luân tượng trưng cho bát chánh đạo.
Chánh điện được chia làm hai phần thờ phụng. Phần phía trên chánh điện được thiết kế các nghi thờ Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng Thượng đế, Thập Điện Minh vương. Phiá dưới chánh điện thờ Phật Dược Sư, Công Đồng Vương Thiên sứ, và bàn ở giữa thờ hai vị tổ sư là Từ Đạo Hạnh (tức Việt Nam Từ Đại Công Vương Bồ Tát) và Nguyễn Giác Hải (tức Việt Nam Nguyễn Đại Công Vương Bồ Tát). Đây là hai vị bồ tát đã giáng đàn dạy đạo ngay từ những ngày đàn cơ đầu tiên tại hai chùa Quang Xuân và Hiệp Minh. Các hương án khác thờ các bậc tiền vãng Đàn Tiên (tiền vãng là những người có công với hai chùa Quang Xuân và Hiệp Minh) và bàn thờ Sứ Giả Tịnh đàn.
Bàn Sám chủ là vị chủ lễ đặt giữa gian và đặt trước nghi thờ Phật. Phiá đối diện sau lưng có Bửu Pháp tòa là đôn ngồi chứng minh của pháp chủ chánh sám trong những ngày có lễ cúng quan trọng.
Các Phật tử mới quy y và Phật tử bậc Nhứt, Nhị diệu mặc áo tràng màu trắng.
Phật tử của chùa Đàn Tiên đều mặc áo tràng toàn màu trắng. Bên trong cũng là y phục màu trắng, trên đầu đội khăn màu đen có giắt hoa tươi. Bậc tam diệu, tứ diệu cũng mặc y phục màu trắng bên trong, bên ngoài là áo tràng màu vàng, trên đầu đội khăn màu vàng có giắt hoa tươi.
Ngoài ra còn có cấm phòng là nơi các dành cho các đệ tử của chùa nhập thất luyện đạo, trai đường, và bửu tháp…
Chùa Hiệp Minh được gọi là Đàn Tiên vì ngay lúc mới thành lập, các vị trí thức nhân sĩ và những người sáng lập chùa thường tổ chức lập đàn cầu cơ. Các vị Đại Tiên giáng đàn trong đó có Lý Thái Bạch, Trần Đoàn đàm luận thi văn với các bậc túc nho đường thời.
Nhà văn Sơn Nam, trong sách 'Danh thắng Miền Nam', đã viết: “Hồi những năm đầu của thế kỷ này (thế kỷ XX) Cần Thơ là nơi nổi danh với đạo tu tiên, cụ thể là việc cầu cơ. Thí dụ như đình Bình Thủy thờ ông Đinh Công Chánh, còn Đàn Tiên Cái Khế thì thỉnh mời chư Tiên về cho thi phú…”.
Thất trùng hàng thọ bao quanh chánh điện chùa Hiệp Minh với hoa kiểng bốn mùa xanh tươi.
Cảnh trí của chùa Hiệp Minh là vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo với thiên nhiên, tạo nên cảnh quan tĩnh mịch với những giai thoại tiên thiên. Với vẻ đẹp tự nhiên vừa trầm mặc thoát tục, vừa thanh tao thi vị Đàn Tiên một thời gắn với tuổi thanh xuân của các cựu học sinh của vùng nhất là học sinh trường Phan Thanh Giản, trường Đoàn Thị Điểm. Đàn Tiên Cái Khế được ghi chép trong sách ‘Cần Thơ xưa và nay’ của tác giả Huỳnh Minh, được nhiều người biết đến như một địa chỉ thiêng liêng, nơi bồng lai tiên cảnh của một thời kỳ.
Chùa Hiệp Minh (hay Đàn Tiên Cái Khế) dù trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm nhưng vẫn giữ được nghi thức tôn giáo truyền thống và khung cảnh yên tĩnh, tôn nghiêm cho đến nay. Với lịch sử trên trăm năm, chùa Hiệp Minh như một di sản văn hoá, với thất trùng hàng thọ như một mảng xanh giữa lòng thành phố giúp con người tịnh tâm trước dòng đời bất tịnh.
Chùa Đàn Tiên tính đến nay cũng đã trên 100 tuổi (1911-2013) cũng là một trong những điểm đến du lịch viếng chùa, lễ Phật, tìm hiểu gốc tích Tiên Đàn ở Cần Thơ trong tương lai gần khi chợ An Nghiệp nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay được sắp xếp chỉnh trang lại thuận tiện cho việc đi lại cho du khách gần xa.
Bạn đang xem bản tin Khám phá di tích Đàn Tiên
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá - baotangtonducthang.com
Theo:Bài: Lâm Văn Sơn / thesaigontimes.vn
Ảnh: Kim Dung