Vùng đồi núi Bắc Giang có hàng chục khu lăng mộ đá cổ, đặc biệt có lăng mộ với tượng đá rất đẹp, được dựng trước cả trăm năm so với lăng mộ hoành tráng của các vua nhà Nguyễn ở Huế. Đó chính là lăng đá cổ Dinh Hương, tên đặt theo làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Lăng Dinh Hương được dựng từ năm 1727, nằm trên gò đất rộng khoảng 1ha, biệt lập giữa đồng trống. Một con đường nhỏ dẫn thẳng vào phía lưng khu mộ, du khách men theo tường bao, vòng ra phía trước để vào chiếc cổng duy nhất. Toàn bộ lăng còn khá nguyên vẹn cùng những kiến trúc, điêu khắc đá độc đáo, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1965.
Ngai thờ, hương án và đôi nghê chạm khắc đá
Anh bạn dẫn đường nói vui: “Đây có lẽ là lăng mộ nổi tiếng vì… vắng, ít khách viếng thăm nhất”. Nhưng chính sự vắng vẻ mang lại cảm giác bình yên, thư thái cho những ai ghé thăm. Trời trong xanh, gió rì rào trên những vòm nhãn cổ thụ. Lăng này được Quận công La Quý Hầu thời Hậu Lê xây dựng gần 20 năm trước khi mất, làm nơi an nghỉ cho chính mình tại quê nhà. Ông là người có công với ba triều vua Hậu Lê, đã từng hai lần được cử đi sứ phương Bắc. Sau khi mất, ông được phong Phúc Thần. Lăng gồm ba phần: mộ táng ở chính giữa, khu thờ tự bên trái và nhà bia bên phải. Khu mộ táng gây ấn tượng với bộ đôi quan hầu dắt ngựa đặt đối xứng qua đường Thần đạo, trước dãy tường đá ong vững chắc, vuông vức, mỗi chiều kéo dài 10m.
Cúi mình chui qua cổng thấp, khu mộ như vườn cây bỏ hoang trên nền phẳng, không rõ dấu tích nơi an táng. Ngắm nhìn tượng đá quan hầu, thật ngạc nhiên trước khả năng mô tả tinh tế trên nét mặt, chòm râu, mỗi bàn tay cũng như từng nếp lượn sóng trang phục mũ áo.
Tượng quan hầu trước khu mộ
Trong khi khắc họa chân thực vị quan hầu chân đất này, nhà điêu khắc vô danh xưa lại cách điệu khéo léo một số chi tiết trên tượng ngựa như bộ bờm, bộ yên cương tuyệt đẹp. Quan sát kỹ còn thấy hai vị quan hầu có chân dung khác nhau, phải chăng được lấy mẫu từ những gia nhân có thật ngày ấy? Giả thuyết nghi vấn này có thể thấy rõ hơn khi đối chiếu đặc trưng cặp đôi nữ gia nhân đứng chầu hai bên khu thờ tự.
Tượng nữ gia nhân bên trái bưng chiếc tráp khối hộp chữ nhật ngang bụng, bàn tay trái đỡ dưới hộp tráp, tay phải giữ ngang đầu hộp, để hở nửa bàn tay với những ngón thon dài. Tượng nữ gia nhân bên phải ngai thờ tay cầm quạt, đầu đội mũ ni có chóp nhọn như một chiếc nón nhỏ, nửa phía sau mũ có bốn lớp vải trùm kín chân tóc, phủ xuống kín tai và gáy. Cả hai cùng đi chân đất, vóc dáng thấp nhỏ, được điêu khắc sống động như thật.
Khu thờ tự gồm sân thờ có đôi voi chầu, các bàn bệ đăng đối, bậc tam cấp đá ong rộng dẫn lên phần ban thờ cũng xây vuông vức như phần mộ táng. Phần cao nhất là ngai thờ và hương án đều chạm khắc từ đá nguyên khối, đường nét hoa văn lại cực kỳ giản dị, tạo cảm giác bề thế, trang trọng, dù kích thước không lớn, thể hiện cách xử lý tài hoa của nghệ nhân điêu khắc đá địa phương. Từ ngai thờ nhìn xuống, phía trước toàn bộ khu lăng còn thấy dấu tích hồ nước lớn xưa kia, một thế đất đẹp, phù hợp chuẩn mực phong thủy xưa.
Lăng Dinh Hương được coi là khu lăng mộ đá đẹp nhất tỉnh Bắc Giang, xứng đáng là kiệt tác điêu khắc đá thời Hậu Lê.
Bạn đang xem bản tin Lăng đá cổ Dinh Hương
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá - baotangtonducthang.com
Theo: phunuonline.com.vn
Bài và ảnh:
Nguyễn Việt Bắc