Thiết thực chào mừng kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2015) và tháng thanh niên (tháng 3/2015); tưởng niệm 35 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30/3/1980 - 30/3/2015); hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Ngày 17/3/2015, Chi đoàn Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức hành trình đến địa chỉ đỏ: Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam ( Tây Ninh) và đây cũng là hoạt động về nguồn của đoàn viên thanh niên có dịp tìm hiểu về giá trị truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước và giữ nước của thế hệ ông cha.
Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào tháng 3 năm 1951 tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất ( khóa II) do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư. Ngày 6/9/1954, Bộ chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy. Ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam đã trở thành cơ quan đầu não chỉ huy của Cách mạng Việt Nam tại Nam Bộ, là nơi làm việc và chiến đấu của các đồng chí lãnh đạo cách mạng như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ… Do đó, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành địa điểm rất quan trọng của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giặc Mỹ đã đánh phá hòng truy lùng các đồng chí lãnh đạo và phá hủy căn cứ nhưng dù nhiều lần bị đánh phá ác liệt, căn cứ Trung ương Cục miền Nam vẫn được bảo vệ và che chở an toàn cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng chỉ đạo và dẫn dắt quân dân Nam Bộ nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung trường kỳ kháng chiến và đi đến thống nhất đất nước.
Đến với khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đoàn viên Chi đoàn Bảo tàng Tôn Đức Thắng được tham quan và nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các địa điểm - nơi các đồng chí lãnh đạo đã từng hoạt động cách mạng, chiến đấu bảo vệ Trung ương Cục trong những năm tháng gian khổ, sống trong mưa bom bão đạn của kẻ thù. Những chiến công lẫy lừng khi xưa của các đồng chí, chiến sỹ cách mạng tại chiến khu mà trong mỗi đoàn viên thanh niên càng thấy xúc động và vô cùng tự hào.
Tạm biệt mảnh đất cách mạng và bạt ngàn mênh mông núi rừng Tây Ninh hùng vỹ, kết thúc một chuyến đi về nguồn vô cùng ý nghĩa, tất cả đoàn viên thanh niên đều mang trong mình chung những cảm nhận. Đó là cảm nhận về niềm tự hào dân tộc; khâm phục ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc. Truyền thống đó, đang được các thế hệ trẻ hôm nay phát huy, tiếp bước …
Một số hình ảnh: