Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/1988), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định số 86/QĐ-UB thành lập “Nhà Trưng bày Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đặt tại số 5, đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, ngày 13/8/1990, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch có quyết định số 894/QĐ đổi tên thành “Bảo tàng Tôn Đức Thắng”. Đây là một trong hai bảo tàng lưu niệm danh nhân ở nước ta. Điều này được khẳng định trong văn bản số 128-CV/TƯ ngày 16/9/1998 của Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: “Ngoài hai bảo tàng là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã và đang hoạt động, không đặt vấn đề xây dựng bảo tàng riêng đối với các danh nhân cách mạng khác nữa”.
Sự ra đời của Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhằm đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Bác Tôn - Người con ưu tú của nhân dân Nam bộ, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn, là tấm gương, là niềm tự hào của nhân dân Nam bộ thành đồng. Hơn nữa, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng - Người tham gia sáng lập tổ chức Công hội bí mật.
![]() |
---|