Barcelona (Tây Ban Nha) có những câu chuyện của mình để kể, dù bạn chỉ là một du khách không am hiểu về nghệ thuật lẫn kiến trúc.
>>> Barcelona – Thủ phủ xứ Catalonia
>>> Đi chợ ở Barcelona
>>> Du lịch bụi đến Barcelona
Những ống khói trên sân thượng La Pedrera - Ảnh: D.V.
Lang thang trên những con đường xa lạ ở Barcelona, du khách đôi lúc phải dừng chân trước những tòa nhà xinh đẹp sắc màu như cổ tích - đó là những tác phẩm của kiến trúc sư Antoni Gaudi, được xây dựng theo trường phái cách tân Catalan phát triển từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Trên góc phố Passeig de Gracia và Provencia, du khách sững sờ bắt gặp tòa nhà La Pedrera, một quần thể kiến trúc với những lan can lá sắt uốn mỏng tinh xảo như những cành lá. Tòa nhà cao 10 tầng không gây cho người ta có cảm giác khó chịu của ximăng và sắt, nhờ được kiến tạo như núi chập chờn chìm ẩn trong mây, nhấp nhô như sóng lượn.
Hàng người rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt vào xem khiến du khách tò mò không muốn bỏ lỡ cơ hội. Nhờ sự diễn giải của những máy hỗ trợ, họ có thể đi lang thang trong khắp tòa nhà và nghe kể câu chuyện về công trình của Gaudi.
Mái vòm bên trong Sagrada Familia - Ảnh: D.V.
Chuyện được kể rằng Gaudi là con thứ năm trong một gia đình hai đời làm thợ rèn ở Rues (xứ Catalunya). Mê thiên nhiên, Gaudi khi còn bé là một dạng “học sinh cá biệt”: đắm chìm trong thiên nhiên và muông thú, cậu bé không thể quen với những khuôn mẫu của nền học vấn hàn lâm.
Khi trưởng thành, về học kiến trúc ở Barcelona, để mưu sinh cậu sinh viên Gaudi đã qua đủ thứ nghề: từ phụ việc cho các điêu khắc gia tới làm thợ mộc, thợ rèn, những công việc đã giúp ông rất nhiều sau này. Khi thiết kế những công trình, Gaudi là người quan tâm tới từng tiểu tiết và chính ông đứng ra hướng dẫn thợ thực hiện từng họa tiết theo đúng ý đồ. Và La Pedrera là một trong những công trình đậm nét cách tân nhất của ông.
Người ta có thể tìm thấy rất nhiều dấu tích của Gaudi ở La Pedrera. Đó không chỉ là tòa nhà khiến trí tưởng tượng của du khách tha hồ bay bổng: có người gọi quần thể này là “tổ ong” trong khi kẻ khác gọi là “bánh patê thịt”. Mà còn ở những tiểu tiết: dưới chân của bạn có thể là những viên gạch lát bằng gốm do chính Gaudi thiết kế, nhìn ra xa bạn có thể gặp chính những lá sắt uốn theo hình rong biển leo trên những lan can, thể hiện đam mê thiên nhiên của nhà kiến trúc.
Và cuối cùng, trên sân thượng là cả một công trình độc đáo: những ống khói được đúc khuôn lớn nhỏ khác nhau, tạo cảm giác có cả một đội quân mũ sắt đang canh giữ bên cạnh những phụ nữ mang mạng che mặt bí ẩn.
Mặt tiền tòa nhà Battlo - Ảnh: D.V.
Cùng trong quận Eixample này, cách tòa nhà La Pedrera không xa là một công trình cuối cùng và dở dang của Gaudi: nhà thờ Sagrada Familia. Chuyện kể rằng khi được biết Sagrada Familia sẽ trở thành nhà thờ của người nghèo trong một Barcelona mới, Gaudi đã tận hiến những năm tháng cuối cùng của đời mình cho công trình, không nhận thiết kế thêm bất cứ tòa nhà nào khác.
Bản thiết kế mà Gaudi hình dung cho Sagrada Familia thật hoành tráng: sẽ có 18 tòa tháp xung quanh giáo đường và nhà thờ sẽ được bao bọc bởi trường học, nhà ở, phòng hội nghị... Tuy nhiên ông chỉ mới hoàn thành được gian hầm mộ, nơi tụng niệm và chính diện nhà thờ, mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu.
Dù vậy mặt chính diện này hoàn hảo trong từng chi tiết, đến độ nó được xem là một trong những công trình biểu tượng của Barcelona. Chỉ trên mặt chính diện này, người ta có thể tìm thấy tới 30 loài thảo mộc, cỏ cây khác nhau được tin đã vun trồng trên đất Thánh.
Trong nhà thờ là một cuộc chơi màu sắc của Gaudi. Khác với nhiều nhà thờ cổ khác ở châu Âu, sự lung linh của ánh sáng qua các loại kính màu được Gaudi tận dụng đã khiến ánh sáng nhảy múa và tràn ngập gian thờ. Chính vì vậy mà tuy vẫn còn tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện (dự kiến hoàn tất năm 2025), Sagrada Familia là nơi mà các du khách đến Barcelona không muốn bỏ qua.
Giáo đường Sagrada Familia - Ảnh: D.V.
Vẫn còn rất nhiều công trình của Gaudi nếu chân bạn chưa mỏi và bạn còn đủ thời gian: tòa nhà Milo như cổ tích với mái hình vảy rồng và những cột trang trí hình rau cỏ, mặt tiền được điểm xuyết bằng gốm và pha lê, ngay cả đồ gỗ trong nhà cũng có hình... xương người!
Hay công viên Guell với hàng ghế độc đáo được thiết kế lượn sóng, một công trình được hậu thế gọi là “nhà đô thị không tưởng” của Gaudi (do dự định xây một thành phố với 60 nhà vườn thuở đó của ông đã không bao giờ thành hiện thực)...
Sẽ còn rất nhiều câu chuyện về Gaudi - một cái tên hoàn toàn xa lạ nhưng rồi sẽ trở nên quen thuộc nếu bạn đặt chân tới Barcelona. Cả về cái chết của ông: nhà kiến trúc tài ba bậc nhất của Catalunya đã qua đời trong một tai nạn tàu điện khi ông lơ đễnh qua đường.
Chuyện cuối cùng kể về ông: do ăn mặc xoàng xĩnh và tiều tụy, ông được đưa vào một bệnh viện công gần đó. Đến khi người thân, bạn bè hay tin, họ tìm tới và muốn chuyển ông vào một bệnh viện tư hiện đại hơn, Gaudi đã khước từ: “Chỗ của tôi là ở nơi này, giữa những người nghèo”.
Ông qua đời năm 1926, ở tuổi 74, tại xứ sở mà những công trình cả hoàn thiện lẫn dang dở của ông mỗi ngày tiếp tục thu hút du khách khắp nơi đổ về...
Những dòng tin khác:
>> Tiềm năng du lịch từ vùng gốm sứ Đông Nam bộ
>> Ngọt ngào thốt nốt vùng Bảy Núi
>> Thung Lũng Hồng
>> Cà phê Bản Sonate
>> Lể hội Livigno Free Heel
Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.
Bạn đang xem bản tin Lang thang cùng Gaudi
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Duy Văn / tuoitre.vn