Trang chủ

Hoàng thành Thăng Long - di vật ngàn năm
Cập nhật ngày 14/12/2011

Ba đặc điểm nổi bật của Hoàng thành Thăng Long là chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Hòa vào dòng người đón chào Đại Lễ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, tôi háo hức tới thăm Hoàng thành Thăng Long, nơi vừa đón nhận bằng Di sản Văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng.

Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui

Sau khi di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long được phát lộ vào năm 2003, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng triệu hiện vật thuộc các triều đại: tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, có niên đại tới 1.300 năm trên diện tích 18.000 m2. Phát lộ di tích Hoàng thành đã gây chấn động lớn trong dư luận xã hội, khi lần đầu tiên trong lịch sử, người ta có thể nhìn tận mắt một phần diện mạo cực kỳ phong phú của đền đài cung điện xưa trong Hoàng thành thời Lý, Trần, Lê.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam

Theo cổng 19C - Hoàng Diệu, điểm đầu tiên tôi được tiếp cận là sân quảng trường Đoan Môn (trước đây là sân vận động Cột Cờ) nay được trồng cỏ với lối đi dẫn tới chân cổng thành được trang hoàng hoa tươi rất đẹp. Qua cổng Đoan Môn, sau khi thăm lầu Đoan Môn, tôi tới sân Điện Kính Thiên, nơi chỉ còn sót lại đôi rồng đá nguyên khối chầu hai bên sân điện được dựng năm Đinh Hợi đời vua Lê Thánh Tông (1467).

Điện Kính Thiên xưa đã bị phá năm 1886 để làm toà nhà ban chỉ huy pháo binh (quân đội Pháp), hiện chỉ còn lại những bậc thềm đá với hai hàng lan can rồng đá ở giữa, hai hàng lan can đá chạm khắc hai bên ở phía Nam, phía Bắc cũng có một bậc thềm trang trí rồng đá. Tam cấp ở điện Kính Thiên ở mặt Nam có tất cả 10 bậc, mặt Bắc có 7 bậc, do những viên đá lớn ghép lại. Rồng đá điện Kính Thiên được đánh giá là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ. Đôi rồng thuộc dòng Rồng Đế vương có 5 móng, được chạm khắc tinh xảo thể hiện sức mạnh và quyền lực của nhà vua.

Trên nền điện Kính Thiên xưa nay là khu nhà bảo tàng trưng bày 150 di vật tiêu biểu được khai quật tại Hoàng thành và các ảnh, bản vẽ giới thiệu khu di sản. Tiếp đó là khu nhà N32 và N32 trưng bày theo chuyên đề hơn 700 di vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, bao gồm một số vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày từ thời Đại La cho đến các thời Lý, Trần, Lê. Các hiện vật trưng bày chủ yếu là gạch, ngói xây cung điện có hoa văn trang trí bên trên, các lá diềm trang trí (hình phượng, rồng), tượng và đồ dùng sinh hoạt trong cung đình (bát, đĩa, bình, lư hương, liễn, chậu hoa...), các bức tượng (sư tử, rồng) trang trí trên mái ngói cung điện...

Qua khu trưng bày hiện vật, du khách được sống lại những giây phút hào hùng của dân tộc khi tham quan di tích Cách mạng D67 (Tổng hành dinh quân đội nhân dân Việt Nam) và hầm chỉ huy nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Văn Tiến Dũng đã từng làm việc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Đi qua khu di tích là tới di tích Hậu Lâu, hay còn gọi là Lầu Công chúa là nơi sinh sống của các cung tần mỹ nữ xưa.

Tiếp đó, đi bộ qua đoạn đường đã được lắp đặt hệ thống đèn đặc biệt và hệ thống cầu dẫn được làm bằng thép, bên trên có mái che đưa khách tham quan khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại hai khu vực A và B mở cửa cho du khách. Du khách được chiêm ngưỡng từ những viên gạch ngói thu lượm được khi khai quật, những chân cột đá tròn chạm hoa sen, đồng tiền... để kê các cột gỗ của các tòa nhà, tới Di tích giếng Đại La từ thế kỷ 7 - 9, sâu 5,9 m, trên giếng có những viên gạch đỏ thời nhà Lý, thể hiện sự tiếp tục phát triển giếng từ thời nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hay hệ thống cấp thoát nước có từ thời Lý. Đặc biệt, người xem còn được chiêm ngưỡng một chiếc tàu gỗ thời Lê Sơ, thế kỷ 15 -16, dài 15 - 16 m nằm trong lòng đất, nay được bảo quản dưới lớp kính.

Mặc dù phần lớn khu khảo cổ đã được phủ cát để bảo quản, nhưng khi xem các di vật còn lại, người xem sẽ cảm nhận được mỹ thuật độc đáo, cách trang trí phong phú, tay nghề tinh xảo của thợ thủ công ở các triều đại khác nhau, hay cảm nhận về cuộc sống trong hoàng cung sau bao năm dài nằm trong vòng bí ẩn.

Bạn đang xem từ: baotangtonducthang.com - Wu
Theo: Đức Hạnh/Báo đầu tư


 

<< Trang trước | Xem theo ngày tháng | Trang sau>>

  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Hoàng thành Thăng Long - di vật ngàn năm" Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng