Tin tức

Ngày hội VHTT miền biển Bình Định lần thứ X
Cập nhật ngày 07/06/2012

Ngày hội Văn hóa – Thể thao là một sân chơi thiết thực góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Ngày hội Văn hóa – Thể thao miền biển (VHTTMB) tỉnh Bình Định lần thứ X diễn ra tại huyện Tuy Phước đã thành công trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Ngay hoi van hoa the theo mien bien tinh binh dinh lan thu 10

Điểm nhấn chủ đề: Biển đảo Tổ quốc
 
Tham gia Ngày hội VHTTMB  tỉnh lần thứ X có hơn 600 cán bộ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 6 đoàn đến từ các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và Bộ đội Biên phòng tỉnh.
 
Một trong những hoạt động chính của Ngày hội là phần thi văn nghệ quần chúng với chủ đề “Hát về biển đảo Tổ quốc tôi” đã diễn ra sinh động, cuốn hút đông người xem. Chương trình văn nghệ của đoàn TP Quy Nhơn có các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, với “điểm nhấn” là tiểu phẩm vui tuyên truyền cho chính nội dung Hội đánh bài chòi cổ dân gian trong Ngày hội.
 
Chương trình văn nghệ của đơn vị chủ nhà Tuy Phước gây được nhiều ấn tượng nhờ khai thác và phát huy được nhiều làn điệu dân ca, giới thiệu bản sắc truyền thống và tiềm năng, sự phát triển của quê hương. Đoàn văn nghệ huyện Phù Mỹ tạo ấn tượng bởi dàn nhạc truyền thống gồm nhiều nghệ nhân đệm nhạc cho chương trình biểu diễn ca kịch bài chòi ca ngợi tình quân dân. Đoàn Bộ đội Biên phòng tỉnh đem tới Ngày hội một chương trình biểu diễn văn nghệ hoành tráng, với nhiều tiết mục hát, múa sinh động, lôi cuốn.   
 
Điểm đáng ghi nhận trong Ngày hội lần này chính là ở nội dung thi trại đẹp. Các đoàn đều đầu tư sáng tạo, thiết kế để trại của mình được dựng lên vừa đảm bảo được sự tiện lợi, vừa thể hiện tốt bản sắc văn hóa, trưng bày hình ảnh về thành tích xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
 
Nổi bật nhất là trại huyện Phù Mỹ, với mô hình cổng trại hình con thuyền đầu hạc chở trên lưng “chữ S” và cột mốc biên giới… cùng các loại vật dụng bên trong trại như bàn ghế, lọ hoa, giường, tủ cứu thương đều được làm hoàn toàn bằng tre trúc tầm vông. Trại Phù Mỹ còn có gian hàng trưng bày rất nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản ẩm thực nổi tiếng của địa phương thu hút nhiều người đến tham quan.
 
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Trại của chúng tôi được dựng công phu trong suốt một tháng trời, với sự giúp đỡ của các nghệ nhân có tấm lòng ủng hộ hoạt động phong trào. Mũi thuyền có hình đầu hạc tượng trưng cho văn hóa truyền thống sẽ là nền tảng để đất nước Việt Nam phát triển. Hình ảnh cột mốc chủ quyền nơi cổng trại được dựng cao lên để mọi người đều đi bên dưới khi vào trại, nhằm nhắc nhở phải luôn ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia, chủ quyền biển đảo...”.  
 
Bài chòi cổ - xuất hiện nhiều hạt nhân
 
Ngày hội cũng đã tạo điều kiện để lần đầu tiên, Hội đánh bài chòi cổ dân gian được tổ chức thi tài ở quy mô cấp tỉnh. Hiệu quả của lớp tập huấn “Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định do Sở VH-TT&DL tổ chức vào cuối năm 2011 đã thể hiện rõ trong Ngày hội.
 
Các đội bài chòi cổ (3 nhạc công và 4 hiệu) thể hiện tốt trong nội dung thi này đều có hạt nhân vốn được đào tạo từ lớp tập huấn kể trên. Đội bài chòi cổ TP Quy Nhơn đã thành công nhờ có được hai hiệu xuất sắc là Hoàng Việt, Quý Nhất - cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn. Đội này còn mạnh hơn nữa nhờ được bổ sung thêm một số nghệ nhân được tuyển chọn sau Ngày hội VHTTMB của thành phố.
 
Tuy nhiên, phần thi của đội bài chòi cổ huyện Tuy Phước lại đem đến cho người xem cảm xúc tươi mới, cuốn hút nhờ sự “toàn diện” từ phần nghi thức bài bản khi khai hội, đến phần tổ chức hội chơi thu hút đông đảo mọi người. Đội Tuy Phước có đến 5 hiệu, ngoài hạt nhân Nguyễn Phú đang dần khẳng định tài năng trong vai trò hiệu chính, sự góp mặt của nghệ nhân dân gian Minh Liễu đã tạo bệ đỡ, gầy được niềm tin cho các hiệu khác cùng hoàn thành tốt vai trò dẫn dắt cuộc chơi. Phần thi của đội Tuy Phước đem lại sự phấn khích cho khán giả, nên các hiệu liên tục nhận được tiền thưởng…
 
Trong khoảng thời gian tạm nghỉ giữa 2 ván chơi trong Hội đánh bài chòi cổ, Ban tổ chức có bố trí biểu diễn trích đoạn bài chòi cổ. Với nghệ thuật “kể” chuyện tuyệt vời, nghệ nhân Minh Liễu đã chinh phục đông đảo người xem bằng trích đoạn trong vở Lâm Sanh Xuân Nương.
 
Thành công của nội dung thi Hội đánh bài chòi cổ dân gian trong Ngày hội càng khẳng định hướng đi đúng, cần được từng bước nhân rộng hơn nữa về cơ sở. Có thể lạc quan tin tưởng trong những dịp lễ hội và đặc biệt là dịp Tết cổ truyền thời gian tới, Hội đánh bài chòi cổ dân gian sẽ được tổ chức ở nhiều địa phương để thực sự lan tỏa sâu rộng…

Bạn đang xem bản tin Ngày hội VHTT miền biển Bình Định lần thứ X
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Báo Bình Định

Banner_sing_baiviet.jpg


  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Ngày hội VHTT miền biển Bình Định lần thứ X" Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng