Bánh đa cua được làm từ những nguyên liệu bình dị vùng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút… cùng hương vị đặc trưng của nước dùng, làm nên thương hiệu cho món ngon của đất Cảng.
Cùng với phở, bún bò, hủ tiếu, bánh đa cua là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Sài Gòn. Người miền khác ăn bánh đa cua để thưởng thức một món ăn ngon và lạ miệng; còn dân đất Cảng lại mong tìm chút hương vị quê nhà.
Bánh đa cua là món ăn thể hiện được cả sự "ngon mắt" và "ngon miệng". Ảnh: Khánh Hòa.
Món ăn ngon, hấp dẫn, thành phần đều là những nguyên liệu có sẵn nơi làng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút... Từ những thành phần dân dã đó, người dân Hải Phòng khéo léo chế biến nên một món hấp dẫn, đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng bởi vị thanh ngọt và mát lành.
Điểm làm nên sự khách biệt, tạo sức hấp dẫn cho món ăn chính là nước dùng. Được nấu từ nước lọc cua nên nước dùng không trong, có màu hơi đục, khi ăn có vị ngọt thanh và thoang thoảng mùi thơm nhẹ rất đặc trưng của cua đồng.
Được chế biến từ những con cua đồng, khéo léo kết hợp với các thành phần khác,
bánh đa cua là món ăn bình dị. Ảnh: Khánh Hòa.
Người ta nói, ăn bát bánh đa cua là cảm nhận cái "sắc" và "vị" của món ăn. Màu nâu đỏ của bánh đa hòa trong cái màu vàng sóng sánh của nước dùng, cùng với đó là những viên chả thịt có màu vàng nhạt, màu xanh mướt của rau muống, rau nhút, màu vàng hơi cháy của hành phi.... tất cả tổng hòa vào nhau làm cho thực khách chỉ mới nhìn thôi cũng đã thấy thèm.
Ăn một đũa bánh đa cua cảm nhận cái mềm hơi dai của sợi bánh đa hòa với độ giòn sần sật của cọng rau nhút, rau muống, nét đậm đà của chả thịt, vị béo mềm của gạch cua cùng nước dùng ngọt nhẹ rất thanh.
Bạn đang xem bản tin Đậm đà bánh đa cua Hải Phòng
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Khánh Hòa / Vnexpress.net