Hội An chiều cuối thu, tôi tìm tới góc hàng cuối con phố nhỏ, nơi mấy du khách nước ngoài đang đợi những chiếc bánh da lợn từ tay cô bán hàng.
>>> Bánh tổ Hội An - món ngon hương vị lạ miệng ngày Tết
>>> Những món ăn ngon ở phố cổ Hội An
Những mâm bánh da lợn được bày bán dọc con phố nhỏ - Ảnh: T.LY
Phố Hội có quá nhiều món ăn để thực khách phải nhung nhớ, vấn vương và có lẽ trong đó không thể thiếu món bánh da lợn. Nhìn những chiếc bánh xinh xinh với màu sắc nhẹ nhàng quyến rũ trông như một tác phẩm nghệ thuật, hẳn ai cũng cảm nhận được để làm nên món bánh này là cả một sự kỳ công.
Cũng là đậu xanh, bột nếp nhưng cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu cho đến hấp bánh nên chiếc bánh da lợn ở Hội An có hương vị và cách trình bày riêng, không giống ở các nơi khác. Chẳng thế mà từ lâu nay, những tấm bánh này cũng trở thành một miếng ngon của phố Hội.
Bánh da lợn Hội An đặc biệt mang hương vị bột nếp lúa mới - thứ bột nếp được làm từ loại nếp ngon, mới gặt hột còn mẩy, chắc, ít lộn tẻ để mặt bánh luôn láng mượt, óng ả. Đậu xanh làm nhân bánh hạt phải nhỏ, ruột vàng, sau khi loại bỏ những hạt sâu, vo sạch đem hấp thật chín rồi đánh nhuyễn.
Thay cho sức người, ngày nay có thể dùng máy xay nhuyễn đậu xanh, như thế đậu sẽ rất mịn và bánh càng ngon.
Hấp dẫn những miếng bánh da lợn - Ảnh: T.Ly
Dáng hình và màu sắc của bánh là rất quan trọng, vì vậy người làm bánh phải cẩn thận, khéo léo. Khi làm bánh những người thợ khéo tay còn vắt nước cốt dừa, giã lá dứa tươi trong nước dừa để lấy màu xanh tự nhiên và tạo mùi vị hấp dẫn hơn. Nước cốt dừa, bột năng, bột nếp, đường chia làm đôi, một nửa đem hòa với hỗn hợp đậu xanh, nửa còn lại hòa với hỗn hợp lá dứa, lọc qua rây nếu thấy bột bị lợn cợn.
Bánh được hấp trong những khuôn nhỏ hình trái tim, hoa lá hoặc trong khuôn lớn rồi cắt nhỏ thành miếng hình vuông xinh xắn, vừa phải để du khách có thể vừa cầm vừa ăn.
Trước khi hấp, láng một lớp dầu ăn vào lòng khuôn, đặt khuôn vào nồi hấp. Đổ một lớp hỗn hợp lá dứa vào khuôn, hấp chín xong thì đổ tiếp hỗn hợp đậu xanh. Làm tương tự cho đến khi hết bột hoặc vừa đầy khuôn (các lớp bột cần hấp chín hẳn mới đổ tiếp). Khi chín lớp cuối cùng lấy khuôn ra, đợi thật nguội mới lấy bánh ra khỏi khuôn.
Bánh da lợn Hội An ăn hơi dai, vị thanh dịu, thoang thoảng mùi thơm hương nếp mới, beo béo vị nước cốt dừa. Chỉ cần cắn một miếng thôi mà như tận hưởng cả mùi thơm đặc trưng của hương đồng cỏ nội. Có thể thời gian trôi sẽ làm phai dấu đi nhiều thứ, nhưng nhìn những du khách hào hứng cầm những chiếc bánh trên tay, tôi tin rằng bánh da lợn phố Hội sẽ mãi thơm hương trong lòng mỗi người.
Bạn đang xem bản tin Bánh da lợn Hội An
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Thanh Ly / tuoitre.vn