Google+

Dọc miền đất nước

Sơn thủy Cao Bằng
Cập nhật ngày 14/12/2011

Thác bản Giốc

Thác Bản Giốc nhìn từ xa. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Tạm biệt thị trấn Chợ Rã, đoàn chúng tôi tiếp tục đi Cao Bằng, một tỉnh biên giới nằm cách thủ đô Hà Nội 286km. Hành trình từ thị trấn Chợ Rã đến Cao Bằng khá gian nan, đường nhiều dốc hơn, nhiều đoạn đèo quanh co khúc khuỷu. Xe lắc lư, chao đảo liên tục khiến hành khách ngất ngư, lộn ruột, cũng may là cảnh quan hai bên đường ngày càng hấp dẫn hơn. Rừng, núi, dốc đèo loằn ngoằn, nhìn chỗ nào cũng xanh ngát một màu xanh, núi non trùng điệp.

Vượt đèo Giàng, qua đèo Gió... những con đèo cao đến chóng mặt. Có một điểm dừng chân giữa hai ngọn núi trên đỉnh đèo Gió.Ở đó chúng tôi mới cảm nhận được cái tên đèo thông qua các ngọn gió thổi liên tục, thổi không ngừng, thổi đến mát lạnh cả người.

Chúng tôi đến Cao Bằng vào buổi xế trưa.Thành phố vùng cao cũng không ồn ào lắm. Con sông Bằng Giang chảy xuyên qua thành phố vào mùa khô có những đoạn trơ đáy, không gian yên ắng đượm buồn, khác với những mùa mưa ầm ào dòng nước tuôn chảy về xuôi. Cao Bằng là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Nhìn trên bản đồ con sông Lô được xem là ranh giới phân chia vùng Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam.

So mặt biển, Cao Bằng có độ cao trung bình 200 mét, nhưng vùng sát biên giới cao từ 600 mét đến 1.300 mét. Sau bữa ăn trưa với gà đồi, heo rừng và rau rừng, chúng tôi tiếp tục đi hang Cốc Bó. Con đường vào khu di tích này đang được sửa chữa lại nên rất khó đi, thời gian di chuyển kéo dài càng khiến mọi người mệt mỏi.

Trên đường gần đến hang Cốc Bó, chúng tôi nhìn thấy bảng chỉ dẫn phía bên trái đường vào mộ của Kim Đồng - một người dân tộc Nùng, là đội viên thiếu niên làm nhiệm vụ giao liên, trở thành anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp. Con đường mang tên Kim Đồng ở thị xã Cao Bằng cũng rộng lớn và cũng là con đường có nhiều khách sạn du lịch ở hai bên đường.

Hang Cốc Bó thuộc di tích Pắc Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cách thị xã Cao Bằng 55km và cách cột mốc biên giới 108 giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 1,5km đường núi.

Suối Lê-nin - núi Các mác

Suối Lê Nin, núi Các Mác. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Pắc Bó có nghĩa là “miệng nguồn” nơi vào mùa mưa là đầu nguồn của hàng trăm dòng suối đổ về. Trước khi vào đến hang Cốc Bó chúng tôi đi ngang qua suối Lê-nin, núi Các Mác. Cốc Bó là một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi. Qua một luồng sáng từ cửa hang, chúng tôi nhìn thấy một phiến đá phẳng được người hướng dẫn cho biết đó chính là chiếc "giường", nơi Bác Hồ đã chọn làm chỗ ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về tổ quốc (2-1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Rời hang với lòng khâm phục và cảm kích về những kỳ công của bậc tiền nhân, chúng tôi quay về Cao Bằng. Thác Bản Giốc, địa chỉ thứ hai ở Cao Bằng mà đoàn chúng tôi tham quan sáng hôm sau cách thị xã Cao Bằng 91km thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Một quãng đường tham quan khá xa đối với vùng đèo núi.Bù lại đoạn đường này đẹp và dễ đi hơn.

Biên giới phía Bắc

Tuyến đường từ đông sang tây vùng biên giới phía bắc quanh co ngoạn mục. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Nhìn từ xa vào buổi sáng, thác Bản Giốc thật đẹp mặc dù là đang mùa khô. Nước không chảy mạnh lắm nhưng đủ làm du khách xao xuyến, thu hút. Cảnh chèo, chống bè đưa khách tham quan trên dòng thác được ngành du lịch của cả hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc khai thác tạo nên cảnh quan khác biệt so với các điểm tham quan khác.

Thác nước chảy thành ba tầng, trải rộng từ trên cao 30 mét đổ xuống dòng sông Quế Sơn. Không khí lan toả hơi nước mát lạnh. Dòng thác đầu nguồn này xuất phát từ Trung Quốc chảy qua thác Bản Giốc lại chảy quay lại đất Trung Quốc. Hướng dẫn viên cho biết nếu may mắn, du khách sẽ được nhìn thấy hơi nước tạo thành cầu vồng lung linh, huyền ảo.

Thác Bản Giốc được chia thành hai phần, phần ở phía nam gọi là thác cao.Đây là thác phụ, hoàn toàn thuộc lãnh thổ Việt Nam.Phần thác phía bắc thấp hơn, trải rộng hơn và được coi là thác chính, được chia đôi bên biên giới giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc trong mùa khô vẫn nên thơ, hùng vỹ. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Từ ngoài đi vào chúng tôi nhìn thấy những đàn trâu bò ăn cỏ trên những vạt cỏ xanh hai bên bờ tạo thêm khung cảnh nên thơ, mộc mạc đến dễ thương. Vì là mùa khô thiếu nước nên những ruộng nương còn trơ đất.

Cao Bằng có nhiều điểm du lịch không thể bỏ qua như là hang Pắc Bó, thác Bản Giốc, khu rừng Trần Hưng Đạo nơi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, động Ngườm Ngao hay còn được gọi là hang hổ, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh là thế giới của nhũ đá thiên nhiên ... Từ thị xã Cao Bằng, du khách muốn đến khu di tích Pắc Bó và thác Bản Giốc phải mất một ngày rưỡi, vì hai điểm này nằm trên hai trục đường khác nhau.

Bữa ăn trưa trên dòng suối ở thác Bản Giốc khá thú vị. Chúng tôi đã chuẩn bị tươm tất từ rau cải tươi đến món ăn nguội. Tất cả đều được bày trên nền bè. Mọi người vừa thưởng thức bữa ăn, vừa nghe tiếng thác reo, cảm nhận cái không khí mát lạnh từ hơi thác bắn tung tóe.

Bạn đang xem từ: baotangtonducthang.com - Quang

Theo : Lâm Văn Sơn - Thời báo kinh tế Sài Gòn

<< Trang trước | Xem theo ngày tháng | Trang sau>>

  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Sơn thủy Cao Bằng" Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng