Google+

Dọc miền đất nước

Thăm lại chiến khu D
Cập nhật ngày 14/12/2011

Chiến khu D

Tượng đài kỷ niệm tại khu căn cứ Trung ương cục miền Nam

Giữa cái nóng oi bức tháng 4 chúng tôi thăm khu di tích căn cứ Khu ủy Đông Nam bộ, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.


Hai bên đường bông giấy trắng, hồng đỏ rực xen lẫn với những nhánh sứ đang bắt đẩu trổ hoa trắng xóa. Rừng nguyên sinh đã hiện ra với vô số cây và dây leo chằng chịt. Đường khá quanh co hiểm trở, bụi đất đỏ chạch bay mù mịt khiến xe phải giảm tốc độ liên tục.

Anh Lê Văn Hiệp – Trưởng phòng Kinh tế xã hội Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích huyện kể với chúng tôi: rừng đang bắt đầu hồi sinh mạnh, khó khăn lớn nhất là việc duy trì sự tồn tại của trên 80 loại động vật, trong đó có những chủng loại quý hiếm như: bò tót có con nặng trên 1.000 kg. Anh cho biết thêm diện tích cả khu hiện nay trên 100.000 ha với trên 1.350 loại thực vật khác nhau, trong đó có trên 100 loại cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: cẩm lai, trầm hương, gõ đỏ, chò chỉ... Anh khoe với chúng tôi: “Dám chắc với mấy ông không đâu có được các loại cây lạ lùng như ở đây, cụ thể là cây lành ngạnh, bách bệnh...”. Chúng tôi tò mò hỏi thêm về các loại thú và thực sự ngạc nhiên về sự phong phú đa dạng của chiến khu D hôm nay: gần 90 loại cá đang có ở vùng đất này - có loại hiếm như: cá bơn, lưỡi mèo...

Chúng tôi còn được biết ở đây có trên 235 loài chim khác nhau - luôn là đề tài hấp dẫn cho các văn nghệ sĩ đến sáng tác lẫn các nhà nghiên cứu động, thực vật trong và ngoài nước...

Vào giữa rừng, trời tối lại dù đồng hồ trên tay chúng tôi chỉ 10 giờ sáng. Cô hướng dẫn viên ngồi cạnh bên liến thoắng kể chuyện chiến khu, có lúc hát bài “Tình đất đỏ miền Đông” rất điệu đàng, duyên dáng. Thấy chúng tôi thắc mắc về trang phục áo bà ba đen, nón tai bèo, chân đi dép “ râu”, cô cười khúc khích: “Phải ăn mặc như vầy mới hợp với bối cảnh chiến khu xưa...”.

Khu căn cứ Khu ủy Đông Nam bộ vẫn giữ nguyên trạng và đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 12-1997. Ở nhà truyền thống có trưng bày hình ảnh các cuộc đấu tranh, kèm theo đó là ảnh của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ.

Chúng tôi thắp nhang trước tượng Bác đặt trong ngôi nhà lá được lợp bằng lá Trung Quân trước khi tham quan địa đạo tối om. Người hướng dẫn kể rằng loại lá nầy có đặc điểm không bắt cháy nhanh như những loại lá khác và rất bền với nắng mưa nên được sử dụng rộng rãi ở chiến khu thời ấy. Anh còn kể thêm về sự tích bếp Hoàng Cầm, một chiến sĩ nuôi quân đã sáng tạo ra cách giấu khói khi đun nấu không để địch phát hiện.

Chúng tôi rời căn cứ để tiến vào di tích lịch sử “Nơi làm việc của Trung ương cục miền Nam (giai đoạn 1961 – 1962)”. Đường rừng thật âm u, vắng tanh không thấy sự có mặt của người dân sinh sống. Chỉ toàn rừng và rừng. Đường càng vào sâu càng hẹp dần và quanh co liên tục. Có đoạn chỉ vừa đủ cho xe đi qua tạo cảm giác như đang chui vào một cái rọ đang treo lơ lửng trên không trung. Xe bắt đầu lên đồi chậm chạp. Xung quanh chúng tôi là rừng bạt ngàn, có cây hàng trăm năm tuổi, thân to phải mấy người ôm mới giáp được.

Gần 20 km đường rừng rồi cũng qua. Thấp thoáng bóng dáng của những kiểm lâm viên từ xa với nụ cười cởi mở thân thiện. Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, chủ yếu là bảo vệ khu di tích lịch sử và bảo tồn thiên nhiên Chiến khu D nầy có biên chế đến 220 nhân viên, nhiều nhất cả nước.

Tượng đài kỷ niệm khu làm việc của Trung ương cục miền Nam thời kỳ gian khổ 1961- 1963, cao hàng chục mét tạc bằng đá quý được đặt trang trọng giữa khu đồi ghi lại quá trình hình thành. Phía sau tượng đài là danh sách các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục qua các thời kỳ: Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt... Thoai thoải phía dưới đồi là bia tưởng niệm các liệt sĩ được lập ngay dưới gốc cây đa cao trên ba mươi mét, nghe nói đã trên 80 năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Vừa đi tham quan nghĩa trang liệt sĩ, người bảo vệ khu di tích bùi ngùi: “Nói tiếng nghĩa trang Mã Đà, nhưng có ngôi mộ nào đâu, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác chiến sĩ ta hy sinh, chỉ biết họ nằm xuống quanh quẩn đâu đây theo lời kể của các đồng chí lão thành cách mạng, thôi cứ đặt cái tên chung là vậy”. Anh chỉ về cánh rừng trùng trùng điệp điệp chưa có dấu chân người khai phá mang vẻ bí ẩn lạ lùng. Xa xa có tiếng suối róc rách. Chúng tôi men theo lối mòn của rừng đi dần xuống đồi. Ở đó có bia kỷ niệm Đài phát thanh Trung ương cục Miền Nam, tiếng nói của Đảng, của toàn quân, toàn dân miền Nam những năm 1960.

Buổi cơm đạm bạc nhưng rất lạ của khu di tích được dọn ra. “Khai vị” mỗi khách mời được thưởng thức món chè “khoai mì” độc đáo. Cả đoàn chúng tôi thích thú và ngạc nhiên khi uống trà lá xanh nguyên chất rất thơm dịu, ngọt và hấp dẫn.

Sau chuyến tham quan, chúng tôi rời căn cứ quay về với sự phấn khích lạ thường. Chiến khu D hôm nay đang ấm dần lên với màu xanh thăm thẳm huyền dịu đang lan tỏa của núi rừng Đông Nam bộ. Nhiều công trình đồ sộ đang hối hả thi công như: Trung tâm Du lịch sinh thái huyện Vĩnh Cửu rộng hàng chục ha, dự án mở rộng nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên...

Toàn khu vực chiến khu D xưa, nơi diễn ra bao cuộc đấu tranh gian lao mà anh dũng, đầy vết tích bom đạn chiến tranh nay đã chuyển mình thay da đổi thịt từng phút từng giờ. Người dân nơi đây thủy chung và chân chất, hy sinh giữ đất, giữ rừng dưới bom đạn quân thù, lao động cần cù một lòng một dạ theo Đảng, từ chiến tranh đến hòa bình, tuy chưa phải giàu nhưng đã thoát qua rồi sự nghèo khó. Một nếp sống mới rất riêng của chiến khu D đang từng ngày phát triển đã cuốn hút chúng tôi.

Bạn đang xem từ: baotangtonducthang.com - Quang
Theo : Trương Thanh Liêm - baocantho 

<< Trang trước | Xem theo ngày tháng | Trang sau>>

  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Thăm lại chiến khu D" Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng