Núi Dài Năm Giếng thuộc ấp Phú Hòa (An Phú, Tịnh Biên, An Giang), nằm gần thị trấn Nhà Bàng. Đường mòn lên núi dốc thoai thoải, có nhiều bóng cây nên ai cũng lội bộ lên được, hơi mệt chút đỉnh thôi.
Khách tham quan đứng trước Điện Bà, bên giếng Đôi. Ảnh: Cát Lộc
Ghé quán nước ông Ba Đông, chúng tôi nhâm nhi ly cà phê rồi gởi xe lại để lên đường. Ông Ba Đông tiếc rẻ: "Phải mấy anh tới sớm thì theo đoàn người lên núi làm rẫy lúc 6 giờ sáng luôn! Nhưng không sao, lên núi, phía bên nầy, chỉ có con đường mòn dài khoảng hai cây số, lâu lâu có mũi tên sơn đỏ trên hòn đá chỉ đường đi Năm Giếng, đi 45 phút là tới".
Am cô Ba nằm giữa đoạn đường lên Năm Giếng. Cô Ba năm nay 77 tuổi, là dân huyện Bình Minh (Vĩnh Long) tránh xa trần thế, dẫn con gái và rể lên đây vừa khai thác đất hoang vừa tu hành. Bùi Ngọc Hưng, cháu ngoại cô Ba kể, hiện tại đang trồng một mẫu xoài, đào, mít, dừa… cùng một số rau xanh. Hưng sống trên lưng chừng núi nầy đã 22 năm, mẹ qua đời lúc anh vừa lên 8. Sau đó, cha bỏ đi xa, cưới vợ khác. Vậy là Hưng quanh quẩn bên bà ngoại, xuống núi học tới lớp 6 thì nghỉ. Cũng như bà ngoại, Hưng ăn chay trường. Ở trên nầy riết rồi quen. Được cái nhà có lắp điện mặt trời nên ban đêm không còn cảnh tối tăm với ngọn đèn dầu leo lét.
Điện Ngọc hoàng trên núi Dài Năm Giếng. Ảnh: Cát Lộc
Am cô Ba là tên người địa phương gọi chỗ nương náu của bà cháu cô Ba, vì bên cạnh nhà cô Ba có một điện thờ, gọi là điện Ngọc Hoàng. Cô Ba kể, hai mươi năm trước, một ngày kia, có một cậu ở Bạc Liêu lên đây đứng ngắm nhìn quanh quất, lát sau nói lầm thầm “Đúng rồi!”, rồi xin cô Ba ba cây nhang và ba chung nước, đốt vái xong thì xuống núi. Tám năm sau cậu ta trở lại cất am thờ ngay chỗ cậu đã vái van, gọi là điện Ngọc Hoàng. Điện nầy bây giờ được nhiều thiện nam tín nữ đóng góp tiền bạc xây cất khá khang trang.
Núi Dài Năm Giếng có chu vi 8.751 mét, nhưng chỉ có hai cái nhà, còn lại là một vài chòi giữ rẫy. Căn nhà còn lại cách am cô Ba chừng 500 mét, cũng làm nghề trồng cây ăn trái và làm rẫy. Núi chỉ có vài con suối trong mùa mưa, nhưng vì quá nhỏ nên chẳng thể cung cấp nước ngọt cho hai gia đình định cư trên đây. Trong khi nhà cô Ba chứa nước mưa trong hồ xi măng lớn thì nhà kia có một giếng đất lấy nước từ lỗ mội. Nước nầy không đủ tưới cây, người ta đào mấy hố lớn lót vải nhựa chứa nước mưa, để sử dụng trong suốt mùa nắng.
Con đường lên Năm Giếng khá bằng phẳng, đi bộ thoải mái, nhưng thú vị là khi cảm thấy hơi mệt, vói tay hái mấy trái bồ quân chín đỏ bên đường ăn giải khát. Đi một đoạn thì lạc đường, chúng tôi thấy một nhóm bốn người đang lom khom cúi mình đào bới vật gì trên nền núi. Thì ra đó là nhóm người săn đá cảnh, mà họ gọi là “đá bông”. Họ khoe những viên đá hình dáng và những hoa văn đẹp cho chúng tôi xem và nói đây là nơi có rất nhiều loại đá nầy để họ vừa chơi vừa làm bán kiếm tiền. Họ còn nói núi Dài Năm Giếng có nguồn tài nguyên đá xây dựng thuộc nhóm sáng màu mịn hạt và đá ốp lát dùng để trang trí. Mỗi người trong nhóm săn đá bông, vừa cẩn trọng xới đất đá vừa chọn những viên đá bỏ vào túi.
Theo lời chỉ dẫn của nhóm chơi đá cảnh, Năm Giếng chỉ cách nơi chúng tôi đang đứng chừng trăm thước. Đó là một khoảng rộng không có cây cao bóng mát. Nơi đó có một ngôi miếu gạch gọi là Điện Bà nằm bên một tảng đá lớn khoảng 20 mét vuông, gọi là Vồ Đầu. Trên tảng đá nầy có năm lỗ hõm xuống mà người ta gọi là Năm Giếng nên gọi Giếng Vồ Bà.
Giếng Đôi. Ảnh: Cát Lộc
Một người hướng dẫn đoàn khách hành hương đến từ Tây Ninh cho biết, năm giếng gồm ba giếng lẻ và một giếng đôi. Mỗi miệng giếng hình bầu dục không đều, rộng không quá hai mét vuông. Còn giếng sâu bao nhiêu chẳng ai biết. Đặc biệt, dù mùa nắng, giếng nào cũng đầy nước. Theo dân gian truyền khẩu, năm giếng nầy đến một lúc nào đó trong tương lai sẽ có năm đóa hoa sen nở cùng năm con thú quý canh giữ. Chính vì sự huyền bí nầy mà nhiều người phương xa chịu khó lặn lội tới đây chiêm bái.
Núi Dài Năm Giếng cao 265 mét, nhưng Năm Giếng nằm ở độ cao chừng 200 mét bên triền phía đông. Từ triền nầy đi xuống phía núi Kéc, phía tây, rất gần và rất dễ đi; đó là lối mà đoàn khách Tây Ninh đã lên, chứ không khá mệt như chúng tôi đi ngả từ nghĩa trang liệt sĩ. Hướng dẫn viên của đoàn du khách đến từ Tây Ninh cho biết con đường xuống núi phía núi Kéc đã được mở rộng và tráng bê tông xi măng được phân nửa, đã dễ đi càng đi thoải mái hơn.
Chúng tôi rời khỏi khoảng nắng hiếm hoi trên núi Dài Năm Giếng, xuống núi. Bà Ba Đông, vợ chủ quán, vội vàng lấy chai nước thốt nốt ướp lạnh đưa ngay. Mở nắp chai, ngửa cổ uống, đã khát quá chừng. Ông Ba Đông cho biết con đường lên núi phía tây nầy sẽ mở rộng cho xe bốn bánh chạy lên tận Năm Giếng. Đó là lúc núi Dài Năm Giếng chuyển mình thành khu du lịch, hấp dẫn ngày càng nhiều du khách, chứ không thu hút khách phương xa một cách khá đìu hiu như bây giờ.
Lúc đó, đến đây, khách sẽ ngồi xe một lèo tới Năm Giếng rồi thong dong thả bộ tìm hiểu cuộc sống của những người làm rẫy làm vườn trên núi. Rẫy trồng nhiều loại. Vườn cây gồm những đào lộn hột, xoài, mít, dừa, nhãn, mận, sầu riêng… Trong bóng mát với ngọn gió trời lồng lộng, khách vừa tận hưởng hương vị ngon ngọt lạ thường của trái cây trên núi vừa hít thở không khí trong lành giữa thiên nhiên.
Rời quán nước có ông bà chủ vui tánh, chúng tôi vòng qua núi Kéc. Lên núi này nhìn qua núi Dài Năm Giếng (thuộc cụm núi Phú Cường, ngọn núi cao thứ tư của Bảy Núi), trông giống như một hòn non bộ khổng lồ, tuyệt đẹp, rồi mơ màng với tương lai tươi sáng của nó. Khi ấy ngọn núi chỉ toàn rẫy và vườn nầy sẽ càng “huyền bí” hơn vời hấp lực du lịch sinh thái.
Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.
Bạn đang xem bản tin Lên Núi Dài Năm Giếng
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Cát Lộc / TBKTSG Online