Thánh địa Mỹ Sơn ( thuộc xã Duy phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - được UNESCO ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa thế giới năm 1999. Di sản này có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á.
Tháng 12 năm 1999, cùng với đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa thế giới. Hàng năm, nơi này đón hàng trăm ngàn du khách đến chiêm ngưỡng vùng đất từng là kinh đô của người Chămpa.
Hàng trăm ngàn du khách viếng thăm Thánh địa Mỹ Sơn hàng năm
Băng qua chiếc cầu xi măng mang dáng hình ngôi tháp cổ, theo con đường nhựa râm mát dưới bóng những hàng cây cổ thụ, những chiếc xe ô tô chở khách du lịch có thể vào tận khu lễ tân, nơi khách thăm quan được Ban quản lý di tích giới thiệu sơ lược toàn cảnh Thánh địa trước khi bước vào khu đất linh thiêng của người Chăm hơn mười thế kỷ trước.
Năm 1898, một nhà khảo cổ người Pháp đã phát hiện ra khu đền tháp Mỹ Sơn nằm khuất sâu trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng cổ thụ rậm rạp. Sau đó không lâu, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc, vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn. Đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1000 năm. Khu đền tháp Mỹ Sơn được khởi công xây dựng từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân).
Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía đông để nhận ánh sáng mặt trời. Tường bên ngoài tháp thường trang trí hoa văn hình lá cuốn hình chữ S nối liền nhau. Các vật trang trí là tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara (con thú thần thọai, một lòai thủy quái có nanh nhọn và vòi dài ), hình vũ nữ Apsara, sư tử, voi, chim thần Garuda, tượng người cầu nguyện...
Trung tâm Thánh địa là một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Tháp chính có hai cửa theo hướng đông tây, mỗi cửa có 8 bậc cấp để đi lên và các vòm cuốn. Trên mỗi vòm cuốn là một hình tháp thu nhỏ. Theo những tài liệu để lại thì đây là ngôi tháp cao nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn với chiều cao 24 m, đáy tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 10m. Trong tháp thờ một bộ Linga - Yoni lớn (nay chỉ còn một bệ đá Yoni). Phần trên tháp có 3 tầng, các tầng nhỏ dần lại và trên cùng là đỉnh tháp bằng sa thạch. Ở mỗi tầng đều có cửa giả có hình người đứng dưới vòm cuốn. Hai cửa giả hai bên hông là hai vòm cuốn chồng lên nhau, trang trí hoa văn rất tinh xảo.
Trải qua hàng chục thế kỷ, hiện nay, Thánh địa Mỹ Sơn chỉ còn lại 20 công trình khá nguyên vẹn. Nhiều ngôi tháp chỉ còn là những đống gạch đổ nát. Khắp nơi vương vãi những trụ đá, những bệ thờ Yoni và Linga (biểu tượng sinh thực khí của Ấn Độ giáo). Tuy nhiên, những gì còn lại ở đây cũng đủ khiến du khách ngỡ ngàng thán phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn tới nay vẫn chưa có lời giải…
Bạn đang xem bản tin Thánh địa Mỹ Sơn
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá - baotangtonducthang.com
Theo: Giao Thủy / phunuoneline.com.vn