Du hành thế giới

Một ngày ở Miyajima
Cập nhật ngày 14/12/2011

 “Hai mươi bảy phút nữa chúng ta sẽ tới Mijajumaguchi. Sau đó sẽ đi bộ năm phút ra bến phà. Phà sẽ khởi hành lúc 19g30; 19g45 phà sẽ cập bến Miyajima. Bữa tối tại khách sạn của chúng ta sẽ bắt đầu lúc 20g30”…

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Mot ngay o Miyajima
Đền Itsukushima

Vẫn không thay đổi giọng nói lẫn nụ cười, Akane, cô hướng dẫn viên Nhật Bản nhỏ nhắn “mở máy” trong khi chúng tôi ai ấy đều vật vờ sau một ngày “trên từng cây số” với một khoảng cách không tưởng nếu không phải là nước Nhật: 1.200km!

Buổi sáng còn ở Yokohama, buổi trưa ăn đặc sản đậu phụ Kyoto cách đó gần 600km, làm một vòng Bảo tàng Nghệ thuật cố đô trước khi lên xe bus trực chỉ Osaka cách đó một giờ đồng hồ xe chạy.

Sau khi kết thúc buổi tham quan ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Osaka, lại tức tốc lên xe bus ra ngay ga tàu để kịp chuyến tàu cao tốc shinkansen tới Hiroshima cách đó gần 600km nữa. Rồi tới Hiroshima, lại tiếp tục chuyển tàu…

Nên lúc này ai cũng đều mệt lử, cái tên Miyajima nghe loang loáng, chỉ kịp nhớ mỗi một từ: đảo. Trước khi xuống phà, cả nhóm chúng tôi túa vào một cửa hàng tạp hóa bên đường, mua nước, bánh kẹo, postcard và tem thư.

Brian, anh chàng phóng viên người Mỹ cao ngòng đã kịp dán tem trên một tấm postcard và đút tọt vào thùng thư gần đó. Cứ như đang chuẩn bị xuống tàu biển đi một chuyến xa lắm…

Nào ngờ, chỉ mười lăm phút sau, chúng tôi đã đặt chân lên đảo. Bất ngờ hơn, đón chúng tôi ở bến phà, ngoài anh chàng nhân viên của khách sạn, còn có cả… mấy chú hươu sao với cặp sừng nghễu nghện.

Trái ngược với sự kinh ngạc, thích thú của chúng tôi, mấy chú hươu này thản nhiên đi lại không thèm dòm ai… nửa con mắt. Dường như với chúng, đám du khách tứ xứ chúng tôi chẳng có gì đáng quan tâm trong hàng triệu lượt khách du lịch đổ về hòn đảo được mệnh danh là “vương miện của nước Nhật” này hằng năm.

Hươu và ngôi đền thiêng

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Mot ngay o Miyajima
Trẻ em chơi đùa với hươu

Hươu là một công dân Miyajima chính hiệu. Chúng đi lại tự do thoải mái khắp các ngõ ngách trên đảo và dĩ nhiên là cũng tự do… để lại chất thải ở bất cứ nơi nào chúng thích (rất may phân hươu giống phân dê, rất dễ nhận diện và điều này dường như chẳng gây cho các nhân viên vệ sinh và cả người dân Miyajima bất cứ phiền phức nào, đường phố ở đây hầu như lúc nào cũng sạch bong).

Bọn hươu rừng này dạn dĩ với khách du lịch một cách khó tin. Trên đảo có rất nhiều biển cảnh báo ghi rõ đây là loài hươu hoang dã, du khách tránh tiếp xúc quá gần, không đụng chạm và không cho hươu ăn v.v..., nhưng nhiều chú hươu cứ thấy khách chụp hình là sán đến.

Trong trang thông tin du lịch về đảo Miyajima, người ta còn cảnh báo du khách cẩn thận kẻo bị hươu ăn mất cả thẻ rút tiền ATM!

Để bảo vệ không gian sống tự nhiên, tránh ô nhiễm cho loài động vật hoang dã này, chính phủ Nhật Bản đã không xây dựng cầu nối đảo Miyajima với đất liền. Ôtô, xe máy sử dụng trên đảo không bị cấm, nhưng gần như không có chỗ đậu xe, hoặc nếu có thì vô cùng đắt.

Đó cũng là lý do vì sao lễ tân khách sạn ra tận bến phà để đón chúng tôi, nhưng chỉ là để dẫn đường cho cả đoàn… cuốc bộ về khách sạn chứ không có xe đưa xe đón ở những khách sạn cao cấp thông thường. Và chúng tôi cũng đã được dặn trước: ở khách sạn trên đảo sẽ không có internet!

Nhưng trước khi trở thành “đảo hươu”, Miyajima vốn là hòn đảo thiêng chỉ dành cho các nghi lễ tôn giáo. Phụ nữ từng không được phép đặt chân lên đảo. Tất nhiên đó là chuyện của quá khứ.

Giờ đây, cùng với ngôi đền Itsukushima được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới, Miyajima trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở miền Nam đất nước mặt trời mọc.

Ngắm Miyajima thú vị nhất là vào sáng sớm, khi hầu hết khách du lịch chưa thức dậy trong các ryokan (nhà nghỉ kiểu truyền thống). Lúc này, trong sự tĩnh lặng của không gian, Miyajima hiện lên với tất cả sự uy nghiêm và khiêm nhường, sự thâm trầm và lộng lẫy, trái ngược mà hòa hợp của nó.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Mot ngay o Miyajima
Cổng đền Itsukushima (torrii)

Uy nghi giữa đất trời là cổng đền Itsukushima nổi tiếng, hay còn được gọi là torii, sơn màu đỏ cam lộng lẫy, màu truyền thống của những cổng đền Nhật Bản. Đặc biệt ở chỗ, cái cổng cao 16 mét, được làm bằng gỗ long não này lại được xây dựng “nổi” trên biển.

Nói là “nổi” bởi vì khi thủy triều lên, một phần chân cột đền ngập trong nước biển, nghe nói, vào những ngày thủy triều lớn, nó có thể còn ngập lên gần mái của cổng đền, tạo nên một cảnh đẹp kỳ thú có một không hai, được xếp vào một trong ba cảnh đẹp nhất của nước Nhật.

Ngôi đền Itsukushima xây dựng cách đó không xa, có thể gọi là một quần thể đền thì đúng hơn, cũng “ngâm chân” trong nước biển khi triều lên. Đây là điểm khác biệt của Itsukushima với hầu hết các ngôi đền, chùa khác trên đất nước Nhật Bản (thường được xây trên cao).

Ngôi đền vốn được dựng lên để tưởng nhớ ba trinh nữ, con gái của vị thần biển và dông bão Susano-o no Mikoto. Để gìn giữ sự thiêng liêng mà không bàn chân thường dân nào có thể làm xúc phạm, ngôi đền (và cổng đền) đã được xây dựng trên mặt nước.

Người dân Miyajima xưa kia muốn vào ngôi đền thiêng này, phải neo thuyền của họ ngoài cổng đền. Phụ nữ đến gần ngày sinh buộc phải rời đảo. Người già, người đau ốm cũng không được phép ở lại. Không có sự sinh và cũng không có sự chết được tồn tại ở đây.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại (ngôi đền đầu tiên trong quần thể này được xây dựng từ thế kỷ thứ VI), bị phá hủy nhiều lần, mà gần nhất chịu trận sóng thần năm 2004 khiến nhiều mái đền hiện vẫn đang trong giai đoạn tu sửa, giờ đây, đền Itsukushima mở rộng cửa cho du khách, với giá vé 500 yen (khoảng 135 ngàn đồng) và nó thường là điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi tới Miyajima.

Ryokan và nhà tắm công cộng

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Mot ngay o Miyajima
Du khách thích thú với bữa ăn truyền thống ở Ryokan

Với không khí thiên nhiên trong lành, tách biệt, đảo Miyajima ngày nay không chỉ là hòn đảo thiêng, mà còn là điểm du lịch sinh thái và điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng ở miền Nam nước Nhật.

Nhờ có một bảo tàng biển và công viên quốc gia Momijidani, Miyajima là địa chỉ được rất nhiều gia đình Nhật chọn đưa con em mình tới trong những dịp nghỉ lễ.

Ngày chúng tôi tới Miyajima là một trong những ngày hè nắng nóng dữ dội. Chứng kiến đám đông (trong đó có rất nhiều trẻ em) đứng kiên nhẫn xếp hàng để chờ vào xem bảo tàng sinh thái biển ở đây, chúng tôi một lần nữa lại phải nghiêng mình trước tinh thần học hỏi và rèn luyện của người Nhật.

Nhưng thời gian một ngày cho phép chúng tôi tung tẩy, vì còn một sự thú vị nữa nên khám phá ở Miyajima, đó là ryokan và nhà tắm công cộng.

Khá phổ biến ở Nhật là các ryokan, nhà nghỉ theo kiểu truyền thống, nơi khách sẽ không nằm giường mà nằm trên các tatami, một loại chiếu.

Khác với ở hotel thông thường, ở ryokan có không khí gia đình, cộng đồng. Rất khó để đặt một phòng riêng một người ở ryokan mà thường là phòng gia đình với một không gian sinh hoạt chung.

Khách sạn Miyarikyu mà chúng tôi nghỉ lại tối ấy trên đảo có lẽ là khách sạn lớn nhất ở đây, với kiến trúc bên ngoài là một tòa nhà tân thời, nhưng không gian bên trong lại là các phòng ryokan truyền thống.

Cũng cần nói thêm là giá phòng ở ryokan khôngnhững không rẻ hơn các hotel thông thường mà nhiều khi còn đắt hơn.

Ở Miyarikyu, giá phòng tiêu chuẩn từ 15 ngàn đến 20 ngàn yen, tương đương với 200-300 USD/tối, thuộc hạng B trong các ryokan. Có những phòng ryokan hạng A+ giá lên tới 70 đến 80 ngàn yen, tương đương khoảng 1.000 USD, với cả khu vườn Nhật ngay trong phòng.

Ryokan mang đúng tinh thần Nhật.

Căn phòng của chúng tôi thiết kế tinh giản tới mức không thể thấy một vật gì thừa, nhưng lại có đầy đủ tất cả, từ phòng tắm khép kín, trà thất, những bộ yukata (dạng kimono mặc trong nhà) đủ kích cỡ để lựa chọn…

Chỉ một không gian duy nhất, nhưng nó có thể biến đổi tùy theo ý thích của chủ nhân hoặc theo mục đích sử dụng: khi làm trà thất, khi làm phòng ngủ. Và ryokan không thể thiếu được “nhà tắm công cộng” (public bath), tiếng Nhật gọi là onsen, một không gian sống khác đậm tính cách Nhật.

Thú thực là chúng tôi phải mất một lúc “đấu tranh tư tưởng” mới “dám” bước vào “nhà tắm công cộng” ấy, nơi không ai được mang trên mình bất cứ vật gì “che chắn”. Tất cả về với thiên nhiên theo nhiều nghĩa của từ này (dĩ nhiên ở osen này vẫn chia hai khu vực riêng biệt, cho đàn ông và đàn bà.

Tuy nhiên tôi được biết có những onsen chỉ có một không gian duy nhất cho tất cả mọi người. Người Nhật thường tới onsen cả gia đình). Con người hoàn toàn cởi bỏ mọi che đậy, mọi trói buộc, hoàn toàn tự do. Và không gian onsen luôn mở ra với đất trời.

Ngâm người trong làn nước nóng của onsen, nhìn qua cửa sổ thấy biển Miyajima xanh thắm và mấy chú hươu đang đi lại thảnh thơi trên đường, thấy một ngày ở hòn đảo thiên đường đang chầm chậm trôi…

Những dòng tin khác:
>> Tài hoa làng Sừng
>>
Cảm xúc Quảng Trị
>> Cà phê Bản Sonate
>> Thịt bò xốt tương
>> Chọi gà ở Philippines

Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.

Bạn đang xem bản tin Một ngày ở Miyajima
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Thủy Phạm / Doanh nhân Sài Gòn

<< Trang trước | Xem theo ngày tháng | Trang sau>>

  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Một ngày ở Miyajima" Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng