19. Bún bò Huế (Thừa Thiên - Huế):
Với nguyên liệu là những sợi bún trắng nõn mềm mại cùng nước dùng vừa đậm đà vừa ngọt ngào, tô bún bò Huế như mang cả vị tinh túy của đất cố đô. Lát thịt bò thái mỏng, lớp váng nhìn rõ cả sả băm, ớt sa tế, hạt điều phủ lên bề mặt vàng óng, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành tây… với màu sắc bắt mắt.
Bún bò Huế ăn kèm với các loại rau như: rau má, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, cải xanh, giá sống…
20. Bánh bèo (Thừa Thiên - Huế):
Bột đổ làm bánh bèo sao cho khéo để cho bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào mê (20 chén mỗi mê) đem hấp hơi (hấp cách thủy). Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên.
Bánh bèo Huế. Ảnh: VK.
Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ.
21. Cơm hến (Thừa Thiên - Huế):
Cơm hến là sự pha trộn của rất nhiều món ăn dân dã, như hoa chuối thái rối, khế, rau răm, giá, môn thái lát, đậu phộng rang chiên qua dầu, da heo đã qua chế biến thổi phồng lên như tóp mỡ. Tất cả trộn lẫn với gia vị tạo thành một tô cơm hến đặc trưng của xứ Huế, vừa cay, vừa bùi, vừa ngọt…
22. Bánh bột lọc nhân tôm (Thừa Thiên Huế):
Bánh bột lọc làm từ bột năng, có nhân tôm thịt, dùng với nước chấm chua ngọt, trước đây được trang CNNGo giới thiệu là một trong 30 món bánh hấp ngon trên thế giới.
Đây là món bánh đặc sản của miền Trung, phổ biến ở Huế và Đà Nẵng. Bánh bột lọc có hai loại: bánh gói lá chuối (hấp) và bánh trần (luộc). Ở các hàng quán Việt Nam người ta thường bán bánh này chung với một số loại khác như bánh bèo, bánh nậm, bánh canh... giá khoảng 10.000 đến 15.000 đồng một dĩa.
Cách làm bánh bột lọc trần (không gói bằng lá chuối) khá đơn giản: chuẩn bị khoảng 200 gr tôm tươi và 200 gr thịt ba chỉ đem rửa sạch, cắt miếng, ướp với nước mắm, muối tiêu, hành, đường, ớt. Sau đó cho tất cả vào chảo, phi hành tỏi thơm rồi rim chín.
Nhào bột: Chuẩn bị 400 gr bột năng chia làm 2 phần: 100 gr cho vào chén, 300 gr cho vào tô lớn. Đầu tiên lấy 250 ml nước đun sôi đổ từ từ vào chén bột cho đến khi bột chín chuyển sang màu trong. Chén bột chín để nguội rồi đổ vào tô bột lớn, cứ thế nhào đều. Lúc này hỗn hợp bột đã mềm mà không dính tay, ngắt tảng bột thành từng viên nhỏ đều bằng ngón tay, vo tròn và đựng vào bọc nilon để không bị khô.
Phi hành lá: Cho dầu ăn hoặc nước mỡ lợn vào chảo đun nóng rồi cho lành lá vào đảo sơ rồi nhắc xuống.
Dồn nhân bánh: Lấy từng viên bột đã vo tròn đặt xuống dĩa dẹt, dùng ngón tay cái cán đều để miếng bột dẹt ra. Sau đó cho vào giữa tấm bột một miếng tôm, một miếng thịt rim. Cuối cùng dùng tay gấp hai mí bánh lại và ấn vào nhau cho khít.
Luộc bánh: Cho nước vào nồi đun sôi rồi thả bánh vào luộc khoảng 10 phút, đến khi bánh có màu trong là được. Sau đó vớt bánh ra ngâm vào một thau nước lạnh rồi đổ ra rổ, cho mỡ hành vào phết đều để bánh khỏi dính vào nhau.
Pha nước chấm chua ngọt: Giã nhỏ một ít tỏi, ớt. Lấy một chiếc chén nhỏ cho vào 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng nước mắm, 10 muỗng nước (theo tỷ lệ 1:1:5). Sau đó cho tỏi ót đã giã nhỏ vào chén, vắt thêm một muỗng nước chanh
23. Bánh khoái Huế:
Bánh là sự hòa trộn màu sắc. Đó là màu vàng ươm của lớp vỏ bánh có pha chút bột nghệ, màu trắng nõn nà của những cọng giá căng tròn, màu đỏ au của tôm, màu nâu xám của nấm tươi. Món ăn còn pha giữa màu ngà của mấy lát thịt lợn ba chỉ hoặc thịt băm, màu vàng tươi của trứng gà, xanh của những lá hành hương. Tất cả gói gọn trong một chiếc bánh hình tròn vừa bằng cái đĩa nhỏ, khi ăn thì kèm thêm rau sống.
Bánh khoái. Ảnh: VK.
Nước lèo chấm bánh khoái được làm từ nguyên liệu chính là tương đậu nành. Mùi vị của bát nước lèo trong món bánh khoái có người cho là chiếm hết 50% cái ngon của món ăn. Đó là sự kết hợp vị mặn của tương, vị béo của gan neo băm nhuyễn, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phụng rang giã nhỏ...
24. Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da (Đà Nẵng):
Bí quyết chính của món là nằm ở nguyên liệu thịt lợn là loại thịt hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con lợn. Thịt lợn được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra có mỡ trong là đạt tiêu chuẩn.
Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da. Ảnh: VK.
Ăn kèm với món này không thể thiếu rau sống. Từng cuốn bánh, thực khách có thể cảm nhận được sự tươi mát của xà lách, vị thơm nồng của rau quế, rau thơm, diếp cá, vị chát nhẹ của chuối trái xắt lát mỏng cùng với vị là lạ của tía tô… Mắm nêm là thức chấm duy nhất của món bánh tráng cuốn thịt heo, nếu thay bằng thức chấm khác sẽ làm mất đi hương vị và nét đặc trưng của món ăn này.
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P1)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P2)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P3)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P4)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P5)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P6)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P7)
>>> 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P8)
Bạn đang xem bản tin 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Thi Trần / vnexpress.net