Google+

Dọc miền đất nước

Độc đáo làng cổ Phước Tích
Cập nhật ngày 14/12/2011

Song song với tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ việc thành lập Quy chế bảo tồn và phát huy làng cổ Phước Tích, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên- Huế đang phối hợp với chính quyền và người dân địa phương nỗ lực xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch độc đáo.

Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế) được thành lập vào khoảng thế kỉ XV. Gia phả họ Hoàng- dòng họ khai canh ở Phước Tích chép: "Đến đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và hai (1470- 1471), ngài thủy tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cẩm Quyết, tỉnh Nghệ An, thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiến địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau khi xem bói, đoán biết được chỗ đất tươi tốt, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng".
 
Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Doc dao lang co Phuoc Tich
Nhà rường ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Bùi Oanh

Làng thờ chữ
 
Từ trung tâm thành phố Huế đi về phía Bắc theo Quốc lộ 1A khoảng 40km, đến cầu Mỹ Chánh rẽ về hướng biển sẽ bắt gặp làng cổ Phước Tích soi mình bên dòng sông Ô Lâu trong xanh. Làng Phước Tích hiện còn 27 nhà rường hơn trăm năm tuổi, tập trung chủ yếu ở xóm Đình. Xóm Đình đẹp như bức họa cổ với ngõ xóm thẳng tắp, sau những chiếc cổng xưa cũ là hàng chè tàu dẫn vào sân gạch và một ngôi nhà rường lặng lẽ phía sau bức bình phong. Đầu làng có văn miếu thờ Khổng tử và các vị hiền nhân, cuối làng có miếu Đôi thờ ngài Khai canh và ngài Bổ nghệ (ông tổ nghề gốm của làng), ngôi miếu giữa làng thờ các vị thần linh, tương truyền được xây dựng trước khi lập làng.
 
Hệ thống vì kèo nhà rường ở Phước Tích chạm trổ tinh tế không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng Cung triều Nguyễn tại kinh thành Huế. Những người lớn tuổi nhất trong làng kể rằng, ngày xưa làm một cái nhà rường phải mất nửa năm, có khi cả năm trời mới xong. Những ngôi nhà rường nằm sát nhau dưới bóng các cây cổ thụ, cách nhau một hàng chè tàu xanh mướt, mái ngói âm dương đổ bóng vào nhau, đổ bóng vào thời gian dằng dặc.
 
Làng Di sản kiến trúc Phước Tích như là một “bảo tàng nhà rường” quý hiếm ở Việt Nam với việc lưu giữ nhiều dấu tích nghề gốm “tiến vua” xưa kia bằng một cồn đất gọi là Cồn Trèng. Ở Cồn Trèng, bà con dân làng cất giữ những mảnh gốm cũ, như là một “bảo tàng” truyền thống. Có một lò gốm cũ còn sót lại, dù đã bị thời gian làm cho sứt mẻ, nhưng  màu đất nung còn đỏ son. Cụ Nguyễn Văn Thành ở xóm Đình, chia sẻ: Ngày xưa nhờ gốm mà làng Phước Tích rất giàu có. Con em trong làng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đều được học hành tử tế. Nhiều người đỗ đạt cao.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Doc dao lang co Phuoc Tich
Ảnh: Bùi Oanh

Từ mấy trăm năm trước làng đã xây dựng đền thờ Khổng Tử, để tôn vinh sự hiếu học và cầu mong cho con cháu trong làng học hành đến nơi đến chốn. Riêng chuyện đó thôi cũng là một nét quý hiếm và chưa từng có trong văn hóa làng Việt. Đặc biệt, ở trong từng gia đình, những vật dụng hàng ngày cũng cổ như chính ngôi nhà rường chủ nhân đang ở. Đó là những chiếc bình vôi, mà miệng bình đã dày cao lên theo thời gian, rồi mâm uống rượu, mâm ăn bằng gỗ, hộp đựng trầu bằng gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm, muối do các lò gốm Phước Tích xưa sản xuất… tất cả đã có lịch sử hàng trăm năm. KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, so sánh: Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, thì làng Phước Tích lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Đây là ngôi làng thứ 2 tại Việt Nam có lịch sử hình thành hơn 500 năm được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2009.
 
Hồi sinh gốm cổ
 

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí tổ chức Lễ hội đêm làng cổ với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn (tour tham quan làng cổ Phước Tích, workshop ẩm thực, giới thiệu thiết kế bản đồ và sách làng cổ Phước Tích, các buổi tọa đàm về tiềm năng du lịch làng cổ Phước Tích), tổ chức JICA còn tập huấn kỹ thuật sản xuất gốm cổ cho người dân Phước Tích.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Doc dao lang co Phuoc Tich
Các nghệ nhân làng cổ Phước Tích biểu diễn kỹ thuật làm đồ gốm phục vụ du khách. Ảnh: Bùi Oanh

Bước đầu, chuyên gia gốm Nhật Bản Mizokami Yoshihiro giúp người dân làng nghề phục hồi nghề sản xuất gốm cổ truyền thống, đồng thời giúp 20 nghệ nhân cách sản xuất sản phẩm mới phục vụ đời sống và du lịch trên kỹ thuật chế tác gốm cổ xưa của làng. Các sản phẩm đầu tiên sau lớp tập huấn sẽ được trình làng trong dịp Festival Huế 2012. Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ, với mục đích hồi sinh nghề gốm độc đáo có lịch sử lâu đời tại làng cổ Phước Tích phục vụ tour du lịch "Hương xưa- Làng Cổ", từ Festival Huế 2006, chính quyền địa phương đã trích ngân sách cử người có kinh nghiệm nhất trong làng ra Hà Nội học tập kỹ nghệ làm gốm của các nghệ nhân Bát Tràng.
 
Tiếp đó, Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomine (Bỉ) phối hợp với Viện Văn hóa- nghệ thuật Việt Nam hỗ trợ xây dựng lò nung có thể nung tới nhiệt độ 1.400- 1.600 độ C tại Phước Tích… Với công nghệ này, nghề gốm Phước Tích có thể sống lại với những sản phẩm vừa hiện đại vừa mang đậm nét cổ xưa với những sản phẩm có họa tiết, hoa văn, nước men độc đáo, tinh xảo dùng để trang trí ở những nơi sang trọng hoặc làm sản phẩm phục vụ cho khách du lịch... UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đang củng cố nhân sự để thành lập Ban Bảo vệ và phát triển làng cổ Phước Tích. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa lịch sử của làng nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong mỗi người dân. Trước mắt, Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTT&DL tỉnh) đang phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Đại học Nữ Showa (Nhật Bản) tiến hành khảo cứu để có thể đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
 
Nhưng dù làm gì chúng tôi cũng coi trọng yếu tố gốc của di sản và bảo vệ, giữ gìn chúng một cách tối đa, từng bước đưa Phước Tích trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước".- Ông Vui khẳng định.

Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ banbientap@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.

Bạn đang xem bản tin Độc đáo làng cổ Phước Tích
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Bùi Oanh / baogialai.com.vn

<< Trang trước | Xem theo ngày tháng | Trang sau>>

  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Độc đáo làng cổ Phước Tích" Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng