Đầu thu 2009, tôi đi thăm Quảng Đông (Trung Quốc), chỉ mong tìm thấy hình ảnh một Hoa Nam như những gì đã được học và đọc trong sách vở. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược với trí tưởng tượng
Máy bay đáp xuống sân bay Bạch Vân (Quảng Châu) trong cái nóng 36 độ C. Từ đây, chúng tôi lên xe đi 180 km để đến Thâm Quyến.
Nông dân vào nhà hộp
Đường cao tốc Bạch Vân - Thâm Quyến được quy hoạch rộng rãi, mỗi bên có bốn làn dành cho ô tô, giữa có con lươn phân tuyến. Trên đường cao tốc, người ta không tìm thấy được một chiếc xe máy hay xe thô sơ nào. Những làng (trang), ấp (trấn) gần như hoàn toàn vắng bóng. Không thể tìm thấy một khái niệm nông thôn nào đúng nghĩa suốt hai bên đường cao tốc này. Người nông dân Quảng Đông - một tỉnh vốn thuần nông của 3.000 năm trước đã được đưa vào ở trong những nhà hộp cao tầng, đường nét kiến trúc rất đơn điệu.
Một khu phố buôn bán nhộn nhịp tại Thâm Quyến
Gần ba giờ, xe mới đến Thâm Quyến. Thâm Quyến rộng 72 vạn ha, dân cư trên 7 triệu người, chỉ cách Hồng Kông 5 km đường chim bay. Tỉnh Quảng Đông có 21 TP, trong đó Thâm Quyến phát triển nhất bởi là một trong hai đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Đường sá nội thành Thâm Quyến được quy hoạch khá rộng, chỉ dành riêng cho ô tô. Toàn bộ Thâm Quyến bây giờ toàn là cao ốc, từ ba bốn chục tầng trở lên.
Cao ốc cao nhất Thâm Quyến đạt đến 69 tầng. Thị dân ở trong những cao ốc riêng dành cho họ cũng phơi áo quần lủng lẳng như các chung cư ở xứ ta. Toàn bộ thị dân ở đây đều dùng ba phương tiện đi lại là xe buýt, tàu điện và taxi. So với ở TPHCM, cách đi đứng ở đây trật tự, văn minh và an toàn hơn rất nhiều, hầu như không có tiếng còi xe.
Trôi theo dòng Châu Giang
Văn hóa Hoa Nam độc đáo với những ngôi nhà dáng mái cong lợp ngói âm dương, những con đường lót đá xanh dẫn vào những cổng lớn có vòng đồng... Nét văn hóa kiến trúc truyền thống đó đã mất hẳn ở Thâm Quyến và Quảng Châu. Người ta chỉ thấy ở đây những nhà hộp cao tầng, được xây dựng đơn điệu, chỉ khác nhau màu sơn bên ngoài.
Đình chùa, miếu mạo, nhà thờ cũng không thấy nữa dù người Trung Quốc nổi tiếng là một dân tộc thích thờ cúng nhất thế giới. Gần như đã mất hẳn bản sắc văn hóa Trung Quốc giữa một TP công nghiệp như Thâm Quyến - thế giới của... bê tông cốt thép và xi măng.
Người Thâm Quyến muốn vui chơi, giải trí thường tìm vào Công viên Thế giới thu nhỏ, nơi có nhiều hình ảnh biểu trưng của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, “tư duy kinh tế” trong công viên này khá thô bạo, không khỏi khiến du khách chạnh lòng. Ví dụ ngay cổng vào, người ta dựng tượng một lon bia lớn của một hãng bia Trung Quốc, thoạt nhìn đã thấy phản cảm.
Ở chỗ nào cũng thấy quảng cáo bia. Chỗ nào người ta cũng có thể bán vé. Muốn lên tháp Eiffel (thu nhỏ) cao 80 m, du khách phải trả 10 nhân dân tệ (tương đương khoảng 26.000 đồng). Kết quả là Tây, Mỹ, Việt... chẳng ai lên, chỉ có người Trung Quốc lên.
Đến Quảng Đông, tôi chỉ mong được đi thăm Hoàng Hoa Cương - nơi an táng 18 liệt sĩ VN, trong đó có nhà yêu nước Phạm Hồng Thái, bị Pháp giết. Tôi mong tìm được trấn Phật Sơn có miếu thờ Bắc Đế, nơi tiểu anh hùng Hồ Phỉ đi từ Sơn Đông vào đến Quảng Đông trừng trị cha con ác bá Phụng Thiên Nam để trả thù cho em bé họ Chung bị Phụng gia bức hại (Kim Dung – Tuyết Sơn phi hồ).
Tôi cũng mong tìm dấu vết của huyền thoại Phương Thế Ngọc, chàng trai hành hiệp cứu đời. Tôi mơ mộng đi tìm một hình tượng mùa thu Trung Quốc với Lạc hà dữ cô vụ tề phi; Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc (Ráng chiều và cánh cò lẻ loi cùng bay; Sông xanh hợp với trời dài một sắc). Thế nhưng tìm đâu cho thấy, chỉ thấy dòng Châu Giang đục ngầu, mang theo nước thải các khu công nghiệp cuồn cuộn đổ về đông.
Bạn đang xem từ: baotangtonducthang.com - Wu
Theo Bài và ảnh: Vũ Đức Sao Biển - NLĐ Online