Google+

Dọc miền đất nước

Chiều chiều mây phủ Đá Bia…
Cập nhật ngày 14/12/2011

 “Chiều chiều mây phủ Đá Bia / Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng / Mất chồng như nậu mất trâu / Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm”... đó là lời ru con mà các bà mẹ ở Phú Yên quê tôi vẫn hát dỗ con ngủ.

>> Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp mê hoặc

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên hơn 20 năm và cũng ngần ấy thời gian hàng ngày ra đồng chăn trâu bò, làm đồng áng hay khi đi học trên đường quê tôi đều nhìn thấy núi Đá Bia, vậy mà đến nay tôi mới có dịp leo lên đỉnh, sờ tay vào hòn đá khổng lồ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn bao quát của đồng lúa Tuy Hòa quê tôi.

Leo núi Đá Bia

 Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Chieu chieu may phu Da Bia
Chiều chiều mây phủ Đá Bia...

Nhóm bạn chúng tôi ở TPHCM với gần chục người hăm hở lên đường ra Phú Yên trong một tour du lịch khám phá tự tổ chức, nhưng lúc xe dừng lại ở khu du lịch sinh thái Đá Bia nằm trên đèo Cả, nơi xuất phát của con đường lên đỉnh Đá Bia lúc 9 giờ 30', thì chỉ có bốn người dám mạo hiểm leo núi.

Thấy nhóm bốn người chúng tôi hăm hở leo núi giữa lúc cái nắng tháng 5 ở miền Trung như đổ lửa xuống đầu, một người dân địa phương nói: “Ai lại đi leo núi vào buổi trưa, điên hả?”. Đang hăng, chúng tôi bỏ ngoài tai và mãi đến khi kết thúc cuộc leo núi "trật giờ" ấy, chúng tôi mới hiểu rằng người đàn ông đó nói rất đúng.

Đường lên núi Đá Bia vòng vèo, quanh co, nương theo triền núi để lên đỉnh; có lúc thì có cầu nhỏ bắc qua suối, ghềnh, cũng có đoạn đúc thành lan can có tay cầm và một phần đường được lát đá chẻ (dân Phú Yên gọi là đá ba lát), vốn sẵn rất nhiều trên núi Đá Bia.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Chieu chieu may phu Da Bia 
Đường đã làm lên tới sát đỉnh Đá Bia nhưng nhiều chỗ vẫn rất khó đi
do núi cao, vực sâu. Ảnh: Hồng Văn

Nhà tôi ở quê cách núi Đá Bia chừng 10 cây số đường chim bay, hàng ngày, khi chăn bò hay làm đồng, lũ trẻ chúng tôi đều nhìn thấy những đám mây mù thường phủ khuất hòn Đá Bia trên đỉnh núi mỗi khi chiều xuống dù trời chưa tắt nắng. Cũng có khi vào sáng sớm mây trắng giăng ngang đỉnh núi như một dải lụa mềm mại, mà người lớn nói rằng đó là hơi đá từ núi bốc lên chứ không phải mây. Vào những tháng cuối năm, mưa nhiều hơn nắng, cả bầu trời thường xám xịt thì hòn Đá Bia khuất hẳn trong mây mù.

Lớn lên một chút, tụi trẻ tôi vào các đồng lúa dưới chân đèo Cả, tức dưới chân Đá Bia cắt cỏ và nhìn thấy hòn Đá Bia trông có vẻ rất gần. Vậy mà hôm ấy, nhóm bốn người chúng tôi xuất phát lúc 9 giờ rưỡi nhưng phải tới gần 13 giờ mới lên tới đỉnh núi giữa cái nắng như đổ lửa.

Chúng tôi cứ leo dần từng bậc tam cấp, mải miết bước đi theo con đường mòn. Lúc dưới chân núi, cây cối quang đãng còn nhìn thấy hòn Đá Bia làm đích đến, nhưng càng lên cao, nó như mất hút bởi đường quanh co và cây cối um tùm che khuất.

Không biết bao lần nhóm chúng tôi phải dừng chân để nghĩ, để thở vì quá mệt, mỗi người chúng tôi ngốn gần 2 chai nước mang theo. Một người trong nhóm thì khỏe, đi thoăn thắt nhưng khi chui qua một hòn đá (đường mòn đôi lúc chui qua đá như là hang chui) không hiểu sao lại ngẩng đầu lên thế là đầu va vào đá, sưng to như quả trứng! Cũng may là chỗ sưng không chảy máu, nếu vết thương ra máu chúng tôi chẳng biết xử trí làm sao giữa núi rừng và có lẽ phải tức tốc quay trở xuống. Dân thành phố tự đi "khám phá" núi rừng có khác, thiếu hẳn những chuẩn bị cần thiết phòng khi bất trắc.

Một cô gái vốn sinh trưởng ở Sài Gòn, sáng đó lần đầu tiên thưởng thức bánh xèo Phú Lâm. Loại bánh xèo chấm với mắm đục (gần giống mắm nêm) nổi tiếng ở Phú Yên, nên leo núi gần nửa chặng đường thì bụng xục xịch phải tạm dừng lại. Cứ tưởng tượng núi Đá Bia cao hơn 700 mét so với mực nước biển nhưng đường leo núi quanh co hơn 2 cây số thì ngay cả người khỏe mạnh lần đầu tiên leo núi cũng ê cả hai chân, tim đập thình thịch chứ huống chi cái bụng còn õng ẹo thì làm sao leo núi được nữa.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Chieu chieu may phu Da Bia 
Thích thú khi leo tới đỉnh núi và chụp ảnh bên cạnh
hòn Đá Bia khổng lồ. Ảnh: Hồng Văn

Trên đường leo núi, chúng tôi bắt gặp hai chai nước đóng chai còn lạnh để dọc đường nên đoán là có ai vừa đi trước. Quả đúng vậy, khi leo lên nửa chặng đường, tôi thấy một nhóm ba du khách (có vẻ như là người Hàn Quốc), đang đi ngược xuống. Có lẽ họ leo núi từ sáng sớm chứ không như chúng tôi.

Đá Bia mây phủ

Đá Bia là đỉnh cao nhất trong dãy núi Đại Lãnh (trong đó có đèo Cả), là ranh giới giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Theo các tài liệu thì núi Đá Bia (còn gọi là Thạch Bi Sơn) cao 706 mét, trên chóp có tảng đá rất lớn đứng sừng sững, cao chót vót. Có tài liệu ghi tảng đá này cao 80 mét nhưng khi lên tới đỉnh, tôi ước chừng cao độ 50 mét, chắc chưa một ai leo lên hòn đá dựng đứng để đo cho chính xác, chiều ngang của hòn đá nơi mép đất một chiều chừng 40 mét.

 Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Chieu chieu may phu Da Bia
Những buổi chiều trời nắng trong hiếm hoi có thể nhìn rõ
hòn Đá Bia không bị mây mù che phủ.

Xung quanh có nhiều hòn đá nhỏ tạo thành hang hốc khá đẹp mắt. Báo chí viết về hòn Đá Bia rất nhiều, nào là mây phủ quanh năm và hồi còn nhỏ tôi cũng thấy vậy nhưng do chúng tôi đi vào giữa trưa, nên gần như chẳng có mây nhưng lại có cái thú là gió mát lạnh gần giống ở vùng Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Có lẽ lúc ở dưới chân núi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, còn khi lên tới đỉnh, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao mà không khí lại loãng nên chiếc điện thoại di động của tôi để trong túi quần bị thấm nước do không khí đột ngột thay đổi, cộng với mồ hôi chảy ra như tắm.

Lên tới đỉnh núi mệt đứt hơi, nhưng trong lòng thấy hào hứng nên tôi điện thoại cho một người bạn sống ở Phú Yên để khoe là mình đang ở trên đỉnh núi Đá Bia với một chút tự hào. Nhưng người bạn tôi cho biết anh ấy đã lên đỉnh núi 3 lần rồi và lần đầu tiên đi từ lúc con đường chúng tôi đi hôm nay chưa được xây dựng.

Bây giờ đường đã làm xong, dài khoảng 2.011m, vượt qua một số đoạn ít dốc và 2.071 bậc cấp ở những đoạn dốc thẳng đứng. Tôi thầm phục những người leo núi khi chưa có đường và càng phục hơn những người thợ xây dựng đã làm con đường này. Họ đã phải vất vả biết bao khi phải chuyển vật liệu nặng như đá, xi măng, sắt thép lên đây để thi công.

Đứng bên cạnh hòn Đá Bia sừng sững, tôi nhìn bao quát xung quanh, thấy vịnh Vũng Rô ở ngay chân núi phía Nam và xa xa là bán đảo hòn Gốm tạo thành vịnh Vân Phong. Trong bức ảnh dưới đây, bạn có thể nhìn thấy mỏm núi nhô ra biển bên tay trái, đó chính là khu vực cập bờ của những con tàu không số trong thời chiến, một điểm dừng của "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Xa xa, phía bên phải ảnh là doi cát kéo dài từ đèo Cổ Mã đâm thẳng ra hướng biển Đông chính là bán đảo hòn Gốm.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Chieu chieu may phu Da Bia
Vịnh Vũng Rô chụp từ đỉnh núi Đá Bia. Ảnh: Hồng Văn

Nhìn về phía đông bắc, có thể nhìn bao quát được cả chiều dài bờ biển kéo dài đến tận bãi biển Long Thủy, Hòn Chùa ở Tuy An cách đó chừng 30 cây số; và thấy rõ núi Chóp Chài, núi Nhạn trong thành phố Tuy Hòa. Hèn chi khi tôi đi trên quốc lộ 1 từ bắc vào nam, khi tới Tuy An, cách Đá Bia tới 50 cây số vẫn nhìn thấy hòn Đá Bia sừng sững như ngón tay chỉ lên trời.

Hồi còn nhỏ, tôi được nghe kể rằng, vào năm 1471, sau khi chinh phạt Chiêm Thành trở về, vua Lê Thánh Tôn đã truyền cho đục lên tảng đá lớn trên đỉnh núi Đại Lãnh mấy chữ định mốc mở mang bờ cõi về phương nam, từ đó núi có tên chữ là Thạch Bi sơn (núi Đá Bia). Vậy mà khi lên tới nơi, tôi cố tìm xem còn dấu tích chữ khắc vào đá núi nhưng không thể nhìn thấy.

Trái lại, thật đáng buồn khi nhiều người đã leo lên đây đã dùng sơn viết bừa bãi lên tảng đá này ghi lại kỷ niệm riêng của họ. Với cái đà đường lên núi thuận lợi hơn ngày xưa, nhiều du khách thập phương sẽ leo núi Đá Bia và sẽ để lại nhiều dấu vết làm xấu đi vẻ đẹp tự nhiên của hòn đá khổng lồ.

Xuống tới chân núi khoảng hơn 2 giờ chiều, tôi mới phát hiện lúc này mây bắt đầu quần tụ xung quanh Đá Bia, chợt nhớ lời người bạn tôi kể, lên đỉnh núi vào sáng sớm hay chiều mát thì mới thấy hết cái đẹp của Đá Bia. Thôi đành hẹn lòng một dịp khác quay lại đây để chứng kiến cảnh "Chiều chiều mây phủ Đá Bia..." vậy.

Từ xa xưa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi là Lingaparvata (có nghĩa là Linga – đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm), trong các sách cổ Trung Hoa phiên âm Hán tự là Lăng-già-bát-bạt-đa. Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết. Đặc biệt là sự kiện năm 1471, vua Lê Thánh Tôn trong hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam, khi đến núi này đã cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi. Từ đó núi có tên là núi Đá Bia hay Thạch Bi sơn.

Núi Đá Bia còn có tên Ngón Tay Chúa (Ledoigt de Dieu) vì theo các nhà hàng hải người Pháp, từ ngoài biển trông vào, hòn đá trên đỉnh giống hình ngón tay chỉ lên trời. Đó là căn cứ cho tàu chạy dọc biển, trước khi có hải đăng Mũi Điện do Varella xây dựng năm 1890.(Theo tài liệu của ngành du lịch Phú Yên)

Hãy chia sẻ hình ảnh du lịch của bạn tại địa chỉ info@baotangtonducthang.com.vn để Ban biên tập baotangtonducthang.com đăng tải lên Cổng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá cho đông đảo bạn đọc được tham khảo và chia sẻ những cảm xúc của chính mình.

Bạn đang xem bản tin Chiều chiều mây phủ Đá Bia…
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá – baotangtonducthang.com
Theo: Hồng Ngọc / Thời báo kinh tế Sài Gòn

<< Trang trước | Xem theo ngày tháng | Trang sau>>

  Ý kiến bạn đọc
    Gởi bản thảo cho bản tin: "Chiều chiều mây phủ Đá Bia… " Click Đăng ký | Đăng nhập để tham gia bình luận

    Các tin đã đăng