Long Tuyền là địa danh mang ý nghĩa là ‘suối rồng’ hay người xưa gọi là ‘long mạch’, theo hình dung đầu vàm Long Tuyền như miệng rồng và con rạch Long Tuyền như thân rồng uốn lượn. Xa xưa, Long Tuyền là tên một xã nhưng qua thời gian, đã trở thành một địa danh nổi tiếng bao trùm một vùng rộng lớn gắn với lịch sử phát triển xứ Cần Thơ.
Sân trước khu di tích Bùi Hữu Nghĩa với nhà bia và đền thờ.
Khi xưa, địa danh Long Tuyền bao gồm từ chợ An Thới đến mạn Đông cầu Trà Nóc và chạy sâu vô bên trong theo trục đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thuỷ, nối với tỉnh lộ 923 và kéo tận đến phường Long Tuyền. Do phạm vi rộng lớn và có nhiều di tích văn hóa - lịch sử cổ kính nên vùng nầy còn được gọi là làng cổ Long Tuyền, với ngôi đình Bình Thuỷ - vốn xưa gọi là Long Tuyền cổ miếu - là đầu mối.
Nguồn gốc địa danh
Đầu vàm rạch Bình Thủy (xưa là rạch Long Tuyền) đổ ra sông Hậu như thế miệng rồng với 'trái châu' là cồn Linh.
Những người lớn tuổi ở vùng nầy kể lại, vào năm Giáp Thìn (1906), trong một buổi họp có mời đông đủ thân hào nhân sĩ sống trong vùng để bàn việc đổi tên làng, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận - cũng là người sống ở làng Bình Thủy - đã nhận ra phong thuỷ thịnh phát của vùng.
Ông đánh giá con rạch Long Tuyền có nguồn nước chảy từ sông Hậu vào uốn khúc như rồng nằm, miệng rồng ngậm trái châu là cồn Linh trên sông Hậu, nằm án ngang miệng rạch. Bốn chân rồng, gồm hai chân trước là phần ngã tư giao nhau giữa rạch Ngã Tư Lớn và rạch Ngã Tư Bé ngang nhau và hai chân sau là rạch Miếu Ông trên tỉnh lộ 923 và rạch Cái Tắc cũng ngang nhau. Cái đuôi uốn khúc nằm vắt qua làng Giai Xuân, ở cuối làng Bình Thuỷ. Vì thế, ông muốn bàn với dân làng đặt lại tên làng. Từ đó, vùng đất nầy mang tên Long Tuyền cho đến ngày nay.
Xưa kia, vùng này gọi là “Lục Ấp’’; năm Thiệu Trị thứ 13 (1844) được đặt tên làng Bình Hưng; sau đó lại đổi thành Bình Phó. Năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú ngang qua đây, khi thuyền đến gần Cồn Linh nơi đầu vàm rạch Bình Thủy thì gặp một trận cuồng phong, mọi người trên thuyền đều hoảng sợ. Quan tuần phủ ra lệnh cho thuyền núp ngay vào đầu vàm rạch Bình Thủy để tránh gió dữ và đoàn hải thuyền được bình an vô sự. Ông dừng lại đây cho mở tiệc ăn mừng cùng dân làng và quan sát dân tình trong suốt ba ngày, ông xét thấy địa thế nầy tốt đẹp, dân cư hiền hoà, đầu vàm thường yên lặng, không hề có sóng to gió lớn, hoa màu thịnh vượng. Quan Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt dâng sớ xin vua Tự Đức cho đổi tên làng thành Bình Thủy.
Con sông Bình Thủy ngày nay (xưa là rạch Long Tuyền) nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, hai hàm của miệng rồng nay là đình Bình Thuỷ và Nam Nhã đường. Các rạch cắt ngang như bốn chân rồng. Đoạn đuôi nhỏ dần kết thúc ở cầu Bông Vang. Từ điểm nầy rạch Long Tuyền chia ra hai ngả toả ra như đuôi rồng. Từ đầu vàm - miệng rồng đến đuôi rồng dài khoảng 11km. Nước con rạch Long Tuyền quanh năm yên bình, sóng gợn lăn tăn như vảy rồng lấp lánh dưới ánh mặt trời, dưới ánh trăng giữa những vườn cây trái xum xuê ôm theo con rạch.
Địa linh nhân kiệt
Tam quan trước khu di tích Bùi Hữu Nghĩa.
Theo đường Cách Mạng Tháng Tám đi về hướng tây, cách cầu Bình Thuỷ chừng 500 mét có một ngả rẽ bên tay phải vào đường Huỳnh Mẫn Đạt chúng tôi thấy một bảng đề Di tích Văn hoá- Khu Tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Khu tưởng niệm này rộng chừng 1 hecta thuộc địa phận phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) gồm đền thờ, nhà trưng bày, nhà khách, nhà bia tưởng niệm, khu mộ...
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807 (Đinh-Mão) tại thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, phủ Định Yên, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc phường An Thới, thành phố Cần Thơ. Ông còn có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu là Nghi Chi, đỗ giải nguyên (thủ khoa) khoá thi hương năm 1835 và là một vị quan thanh liêm triều nhà Nguyễn. Ông còn là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng của miền Nam vào cuối thế kỷ XIX, để lại nhiều tác phẩm giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam.
Vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên của ông được coi là vở tuồng cổ nhất và nổi tiếng nhất của Việt Nam đã được trình diễn khắp nơi trên đất nước và cũng là vở tuồng đầu tiên của Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp.
Bình phong trước hai ngôi mộ của Bùi Hữu Nghĩa và phu nhân.
Thủ khoa Nghĩa mất năm 1872 (Nhâm Thân); nhân dân trong vùng đã lập bài vị tôn thờ ông ở đình Bình Thủy và Nam Nhã đường. Hàng năm, vào ngày 21 tháng Giêng đều có tổ chức lễ cúng giỗ của ông.
Giữa khu tưởng niệm là nhà bia, bên trái là nhà trưng bày những bút tích, thân thế hoạt động của ông, bên phải là gian tiếp khách, phía sau là phần mộ. Có hai ngôi mộ lớn nằm kề nhau, bên trái là mộ Thủ khoa Nghĩa, bên phải là mộ bà Nguyễn Thị Tồn.
Trước đây, trong khu lăng mộ có hai bức phù điêu ngoài trời miêu tả lại cảnh bà Nguyễn Thị Tồn gióng trống kêu oan cho chồng tại tòa Tam pháp ty ở Huế và cảnh ngâm thơ xướng họa giữa Thủ khoa Nghĩa và các thi hữu trong hội "Tao đàn Bà Đồ"; sau đợt đại trùng tu gà đây, hai bức phù điêu bị đập bỏ, thay vào đó, một nhà trưng bày hình ảnh, bút tích và tài liệu về thân thế sự nghiệp của Bùi Hữu Nghĩa được xây dựng bề thế và trang trọng.
Nhà trưng bày trong khu di tích Bùi Hữu Nghĩa.
Tranh mô tả cảnh ông về hưu dạy học.
Tranh mô tả cảnh phu nhân Nguyễn Thị Tồn đánh trống kêu oan cho chồng tại triều đình Huế.
Người dân tôn vinh ông là một trong bốn Rồng Vàng của vùng đất Nam Bộ (Đồng Nai có bốn rồng vàng / Lộc hoạ, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi) và tên ông cũng đã được nhiều tỉnh thành trên cả nước đặt tên cho trường học và đường phố. Khu lăng mộ Thủ khoa Nghĩa được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1994.
Nhà cổ Long Tuyền
Dãy nhà cổ nằm phía bên trái chợ Bình Thuỷ hiện vẫn còn giữ nguyên trạng.
Ngoài Nam Nhã đường và đình Bình Thuỷ, khu vực này còn có nhiều nhà cổ. Chợ Bình Thuỷ nằm ở vị trí trung tâm quận Bình Thuỷ ngày nay, vốn là nơi mua bán sầm uất từ xưa gắn với lịch sử của làng cổ Long Tuyền. Cạnh chợ hiện vẫn còn một dãy phố cổ nằm phía bên trái chợ. Đi tiếp một đoạn, phiá bên phải chợ cũng có nhiều nhà cổ. Đầu tiên một dãy tiếp nối 4 căn với nhau trong một khuôn viên, nay thuộc bệnh viện Lao thành phố Cần Thơ... rồi đến một số nhà cổ khác tiếp nối.
Nổi bật nhất làng cổ Long Tuyền là khu nhà cổ của dòng họ Dương xây dựng từ năm 1870 - thường được gọi là ‘nhà cổ Bình Thuỷ’ hay ‘vườn lan Bình Thuỷ’ - tại địa chỉ số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa; đây là một trong những mẫu nhà hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn trên một thửa đất rộng 8.000 m2.
Cổng và tường rào kiên cố bao quanh sân, vườn. Sân trước lót gạch tàu và trồng nhiều loại cây kiểng; trong đó có cây vú bò, là loại dược liệu quý (quả vú bò ngâm rượu chữa được nhiều bệnh). Trước sân nhà là hòn non bộ, chung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng; bên phải ngôi nhà là vườn xương rồng, phía bên trái là vườn trồng hoa lan. Đặc biệt, có cây ‘kim lăng trụ’ giống xương rồng Mexico cao hơn 7 mét.
Nhà cổ của dòng họ Dương xây dựng từ năm 1870 - thường được gọi là
‘nhà cổ Bình Thuỷ’ hay ‘vườn lan Bình Thuỷ’.
Ngôi nhà có kiến trúc theo kiểu nhà Pháp, nền nhà cao hơn mặt đất một mét. Bước từ ngoài vào nhà, phải theo hai bậc thang hình cánh cung ở gian giữa hoặc hai bậc thang đi thẳng vào hai gian hai bên. Nhà giữa gồm năm gian, ba gian trong để thờ phụng, hai gian bìa dùng để ở và được ngăn cách với ba gian thờ phụng bằng hàng tủ bằng gỗ vừa dùng để trang trí vừa làm vách. Nền nhà được lát bằng loại gạch bông 4 tấc vuông hoa hồng đỏ đen mua từ Pháp về. Nội thất bày trí lại mang phong cách thuần Việt. Chính giữa nhà là khán thờ và bàn thờ tổ tiên được sơn son thếp vàng.
Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được chạm trổ bằng gỗ theo chủ đề “mai, lan, cúc, trúc, sen”; “điểu, tùng lộc, dơi, thỏ, chim công, gà, tôm, cua, khổ qua, nho…” hai bộ bàn ghế cẩn xà cừ và đá cẩm thạch xuất xứ từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đặt bên dưới những ngọn đèn chùm treo từ thế kỷ XVIII. Trần nhà trang trí hoa văn theo kiểu vẽ tô màu. Và đặc biệt là cái bàn rửa tay cẩn men và chiếc máy hát đĩa rất xưa, hiếm thấy ở những nhà cổ trong vùng.
Ngôi nhà thờ họ Dương là một kho đồ cổ quý giá được gìn giữ cẩn trọng qua nhiều đời con cháu. Nhiều bộ phim như L'amant, Người đẹp Tây Đô, Dòng sông Hoa Trắng… đã được thu hình một số cảnh phim tại ngôi nhà nổi tiếng này. Nhà thờ họ Dương, Bình Thủy là một ‘địa chỉ du lịch’ không thể bỏ qua khi đến thăm thành phố Cần Thơ.
Thế đất Long Tuyền
Theo truyền thuyết về ‘long mạch’ ở cuộc đất này, men theo ‘thân’ đến ‘chi trước’ của rồng là rạch Ngã Tư Lớn, hiện vẫn còn chiếc cầu sắt sơn đen bắc ngang qua rạch. Từ trên cầu Ngã Tư Lớn nhìn sang bên kia sông sẽ thấy rạch Ngã Tư Bé. Hai con rạch nầy nằm ngang nhau tạo thế hai chân trước của rồng. Hai bên rạch Long Tuyền nhà cửa san sát nhau, sông rạch vốn là nguồn sinh hoạt chính của người dân nơi đây.
Qua cầu rạch Ngã Tư Lớn, đi tiếp qua cầu Rạch Cam rồi rẽ trái chạy theo con đường nhỏ có chiếc cầu sắt bắc qua rạch Long Tuyền là đến chùa Long Quang. Trên chiếc cổng chào có ghi “Đường qua mộ Ông Đinh Công Chánh”. Ông Đinh Công Chánh là vị tôn thần được thờ tại đình Bình Thủy. Theo truyền thuyết, vào tháng 8 năm 1913 (Quý Sửu), ở làng Long Tuyền bệnh dịch nổi lên tràn lan, hết đường cứu chữa, dân chúng trong làng rất lo âu. Lúc bấy giờ, một số nhân sĩ trong làng lập đàn cầu cơ thỉnh cầu chư thần thánh cho thuốc trị bệnh cho dân. Tôn thần là Đinh Công Chánh đã giáng cơ cho thuốc cứu người mắc bệnh một cách thần kỳ. Dân trong làng biết ơn cứu dân đó nên lập bài vị thờ ông tại đình từ năm 1913.
Rạch Ngã Tư Bé, được ví như một trong hai chân trước của con rồng (rạch Bình Thủy)
Trở lại cầu sắt bắc qua ‘thân rồng’ tiếp tục theo tỉnh lộ 923 đi đến ‘chi sau’ của rồng tức là rạch Miếu Ông và rạch Cái Tắc. Từ những ngã rẽ nầy toả ra là các con đường làng quanh co yên bình kéo dọc theo trục lộ chính 923 đến tận ngã ba Xẻo Tre là nơi ‘mũi tên’ gặp ‘cánh cung’ của đường lộ Vòng Cung lịch sử.
Lộ Vòng Cung - cái tên Vòng Cung do được ví von như hình cánh cung kéo dài từ cầu Cái Rạch theo sông Cần Thơ qua Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền… kéo dài đến tận lộ tẻ Ba Xe - điểm giáp với quốc lộ 91. Mũi tên của bộ cung tên nầy là con đường từ cầu Bình Thuỷ chạy thẳng vô Long Tuyền qua Giai Xuân, nơi đuôi rồng kết thúc tính theo đường thuỷ rồi chạy thẳng đến ngả ba Xẻo Tre.
Long Tuyền (hay suối rồng) là mô phỏng phong thuỷ của hình dáng rồng uốn lượn theo dòng rạch Long Tuyền xưa - nay là sông Bình Thuỷ, lại nằm giữa hình dáng bộ cung tên của lộ Vòng Cung.
Làng cổ Long Tuyền, ngoài cảnh vật yên bình, cây xanh trái ngọt quanh năm sông rạch chằng chịt, còn có đến 6 di tích cấp quốc gia phản ánh nét đặc trưng văn hoá, lịch sử, kiến trúc của làng cổ miệt vườn Nam Bộ.
Dù vật đổi sao dời, dù bị tác động của nhiều yếu tố thời cuộc, chiến tranh, sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa Khmer, Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ... , dù trải qua bao thăng trầm, làng cổ Long Tuyền vẫn còn giữ được nét đặc trưng văn hoá miệt vườn sông nước Nam Bộ, góp phần không nhỏ tạo nên hình ảnh du lịch riêng cho thành phố Cần Thơ.
Những chùm tour hấp dẫn: Tour du lịch Thái Lan, Tour du lịch Du thuyền, Tour du lịch Châu Âu và Tour du lịch Mỹ hấp dẫn, cạnh tranh và chất lượng đang khuyến mãi với nhiều phần quà hấp dẫn!!!
Theo dòng tin:
> Về quê hương Thủ tướng
Bạn đang xem bản tin Về Tây Đô thăm vùng đất Long Tuyền
từ Cồng thông tin Sổ tay du lịch và khám phá - baotangtonducthang.com
Theo: Bài: Lâm Văn Sơn / thesaigontimes.vn
Ảnh: Kim Dung