Long Xuyên và thời học sinh sơ học

Trích từ “Những mẫu chuyện kể về Bác Tôn”
NXB Sở Văn hóa Thông tin An Giang


Có lẽ, dẫu có đi đâu, về đâu thì câu hát, lời ru của mẹ, của dì vẫn văng vẳng bên tai khi Bác còn tuổi ẵm bồng. Bác Tôn sinh vào ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ, Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Cha là cụ ông Tôn Văn Đề, mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Dị. Họ là những người nông dân cần cù chất phác, chân lấm tay bùn, cả cuộc đời lao động mới tạo nên cơ nghiệp còn lại ngày nay. Ngôi nhà mà Tôn Đức Thắng được sinh ra là ngôi nhà sàn, vách ván, mái lợp ngói âm dương. Cách bày trí trong nhà theo kiểu cách nông thôn Nam bộ ngày xưa và nó được bao bọc bởi những lũy tre, khóm trúc, hàng dừa.

 Sinh ra trong một gia đình trung nông, khi Bác Tôn còn nhỏ thì hai cụ đã quyết chí nuôi con ăn học đến nơi đến chốn để làm rạng rỡ tông môn. Vì thế, hai cụ đã gửi Tôn Đức Thắng về nhà ngoại tại Long Xuyên – An Giang để học chữ nho với thầy Nguyễn Thượng Khách – đây là một nhà nho yêu nước, thành viên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và cũng là người thầy đầu tiên của Tôn Đức Thắng. Ngoài những giờ dạy chữ Nho, thầy Năm Khách còn kể cho Tôn Đức Thắng nghe nhiều chuyện về những nghĩa sĩ yêu nước như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của người dân An Giang trải qua bao thế hệ. Từ đó, trong tâm trí non trẻ Tôn Đức Thắng luôn đặt ra những câu hỏi như : “Tại sao đất nước mình lại có những người nơi khác đến mà họ lắm quyền hành như thế? Tại sao bọn Tây muốn giết người mình lúc nào cũng được? Thuế thân là gì? Tại sao người dân mình phải đóng thuế thân như thuế con trâu, con bò? Thuế mình nộp để người Pháp làm gì?...”. Chính những câu hỏi “Tại sao” như thế mà khi lớn dần Tôn Đức Thắng đã dần dần hiểu ra thời cuộc cũng như Tôn Đức Thắng đã biết nguyên nhân vì sao giặc Pháp xâm chiếm nước ta và vì sao Nam bộ sớm rơi vào tay giặc Pháp.

Thực ra, Tôn Đức Thắng học chữ nho với thầy Năm Khách không lâu nhưng cái chính là thầy Năm Khách đã dạy cho Tôn Đức Thắng những đạo lý làm người từ đó đã   hình thành nên cậu thiếu niên Tôn Đức Thắng biết yêu cái đúng, ghét cái sai.

Có người con trai đầu lòng được mọi người khen là thông minh, cha mẹ Tôn Đức Thắng không tiếc sức mình để lo cho con ăn học. Thời đó, ở Cù lao Ông Hổ không có trường lớp, cả tỉnh chỉ có 1 trường Sơ học đặt tại Long Xuyên.  Vì thế, Tôn Đức Thắng vẫn ở bên quê ngoại để  tiếp tục việc học.

Từ quê ngoại, những lúc nghỉ học, được về thăm nhà ở Cù lao Ông Hổ, Tôn Đức Thắng thường chống xuồng đi đỡ lợp, dỡ lờ theo các xuồng chài trên dòng sông quê hương. Đặc biệt, Tôn Đức Thắng thích nhất là cá trê hay cá rô kho tộ, bỏ thật nhiều tiêu, ăn ngon đậm. Sau này, khi đã là Chủ tịch nước nhưng Người vẫn mang theo món ăn quê nhà ra tận Hà Nội hay giữa thủ đô của nước Nga Xô Viết.

Đốc học trường tiểu học lúc đó là người Pháp, phụ việc cho đốc học là 1 người Việt tên Phan Văn Ngân, thầy giáo dạy lớp nhất. Tôn Đức Thắng là học trò ham hiểu biết, ham học, nhưng không chịu tư tưởng coi thường người bản xứ của đốc học người Pháp. Có lần đang xếp hàng vào lớp, thầy giáo kêu, Tôn Đức Thắng không nghe nên đi tiếp, thầy giáo níu tóc kéo lại. Tôn Đức Thắng đã hất tay người thầy đó mà nói:

“Cái đầu là để thờ cha mẹ, không ai được quyền nắm tóc hết”

Thế là hôm sau Tôn Đức Thắng cạo trọc đầu và nói với chúng bạn:

“Tao cạo rồi, tụi bây có cạo thì cạo”.

Tôn Đức Thắng nổi tiếng trong trường về tính tự trọng, thẳng thắn, táo bạo. Có một hôm, thấy ông Đốc Tây ra lệnh phạt 2 người bạn của Thắng quỳ gối giữa trưa hè đến mấy giờ liền vì tội dám hái những trái me sót còn trên cây, Tôn Đức Thắng tức giận nói:

“Mấy trái me lại quý hơn mạng người sao? Tao biểu tụi bây, ngày mai tụi mình nghỉ học hết, rủ nhau đi Thốt Nốt chơi. Phải bỏ cái kiểu phạt tàn bạo đó”.

Vậy là hôm sau, học trò lớp nhất nghỉ học hết. Từ đó, có thể thấy rằng ngay từ nhỏ Tôn Đức Thắng đã chứng tỏ là một thiếu niên khẳng khái, cương trực, có sự ghét thương rõ ràng. Thương ai thì hết lòng, vì bạn bè, anh em. Ghét ai thì phản đối ra mặt. Sự phản kháng bất công đó đã bắt đầu những ngày mà Tôn Đức Thắng còn cắp sách đến trường.

Thông qua câu chuyện về thời niên thiếu của Bác, tuổi trẻ ngày nay cần thể hiện  quan điểm rõ ràng cái đúng, cái sai trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Các tin khác

[1]2