KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BẢO TÀNG TÔN ĐỨC THẮNG
Chiều ngày 20/8/2013, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập đơn vị (20/8/1988 - 20/8/2013). Đến tham dự có các bác lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo thành phố như: Ông Phan Văn Khải - Nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam; Ông Trần Trọng Tân - Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương; Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố; Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu... cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban ngành đoàn thể, gia đình Bác Tôn ....
Tại địa điểm này cách đây 25 năm, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã cắt băng khai mạc phòng trưng bày “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người - đánh dấu cho sự hình thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng - bảo tàng lưu niệm danh nhân thứ hai ở nước ta cho đến hiện nay bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh được đặt tại thủ đô Hà Nội.
Ra đời và phát triển trong điều kiện đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa để từng bước hội nhập quốc tế, Bảo tàng Tôn Đức Thắng có những cơ hội, những điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ là làm thế nào để xác định vị trí, vai trò của Bảo tàng - nơi sưu tầm, lưu giữ và tuyên truyền những di sản phản ánh sự nghiệp và phẩm chất đạo đức một danh nhân cách mạng - khi mà một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ còn thiếu quan tâm, giảm niềm tin vào các giá trị truyền thống, vào lịch sử dân tộc, vào những giá trị đạo đức bởi những tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Nhưng khó khăn, thách thức đồng thời lại là động lực để những người làm việc tại bảo tàng trong suốt ¼ thế kỷ qua cần phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ trên 13.500 đầu hiện vật, tư liệu, trong đó có những hiện vật và những thước phim tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, những thước phim quý là những hồi ức về Bác Tôn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Tổng bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ... hay của các giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học, những đồng chí, người bạn của Bác Tôn lúc sinh thời. Đây là những di sản vô giá, là nền tảng để Bảo tàng thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Từ 1 phòng trưng bày đầu tiên, Bảo tàng đã nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp để có một hệ thống gồm 07 phòng trưng bày thường trực khái quát toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, về phẩm chất, đạo đức của Bác Tôn và bổ sung từ 2 đến 3 trưng bày chuyên đề/năm. Bảo tàng không chỉ là nơi công chúng đến tham quan, tìm hiểu, học tập về Bác Tôn mà còn là một địa điểm để tổ chức kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng cho giới trẻ, nơi gặp gỡ của các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh. Đặc biệt, nhân kỷ niệm ngày sinh (20/8), tưởng niệm ngày mất của Bác Tôn (30/3) hàng năm hay trong các dịp Tết, những ngày lễ trọng đại của đất nước, Bảo tàng đón tiếp các đồng chí lãnh đạo và đồng bào thành phố đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác Tôn. Tính trong ba năm gần nhất, Bảo tàng phục vụ trung bình 200.000 lượt khách tham quan hàng năm. Con số trên chưa phải là lớn nhưng cũng phản ánh một phần nỗ lực của CCVC Bảo tàng. Bên cạnh đó, bảo tàng tổ chức khoảng 30 lượt triển lãm lưu động/năm tại thành phố và nhiều địa phương phục vụ các đối tượng là học sinh, bộ đội, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở các trường mang tên Tôn Đức Thắng tại TPHCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông, ở Tây Nguyên…. Cùng với hoạt động trưng bày tại bảo tàng và triển lãm lưu động, các ấn phẩm như phim tài liệu, phim truyện, kịch truyền hình về Bác Tôn do Bảo tàng phối hợp thực hiện được phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thực sự góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền về Người đến mọi nơi trong cả nước.
Bảo tàng xác định thanh – thiếu niên là đối tượng chính, đối tượng tiềm năng để bảo tàng hướng các hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi: Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh với Bác Tôn” được tổ chức hàng năm dành cho các em thiếu nhi từ 6 đến 15 tuổi. Hội thi kể chuyện về Bác Tôn và Liên hoan tiếng hát học sinh, sinh viên các trường mang tên Tôn Đức Thắng, hội thi “Chủ tịch Tôn Đức Thắng – một nhân cách lớn” được Bảo tàng và liên đòan Lao động TPHCM tổ chức trong lực lượng công nhân lao động và tổ chức công đoàn thành phố (5 năm 1 lần) v.v…. . Các hoạt động trên không chỉ góp phần đưa bảo tàng đến với công chúng để tuyên truyền một cách sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm chuyển tải nội dung giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng thông qua cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà còn tạo một sân chơi lý thú, bổ ích cho từng đối tượng. Cũng chính từ những hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nên Bảo tàng đã mời gọi được nhiều tổ chức hội đoàn, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đồng hành cùng Bảo tàng.
Một mảng công tác quan trọng khác mà Bảo tàng đã tiến hành trong thời gian qua là nghiên cứu, khảo sát những di tích, địa điểm liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Nam bộ. Từ đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương lập kế hoạch bảo vệ và phát huy tác dụng di tích. “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” tại di tích Đình Bình Đông (Quận 8 – TP. Hồ Chí Minh), “Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” tại Nông trường Quý Cao (huyện Tiên Lãng – TP. Hải Phòng), Phòng trưng bày “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng” tại di tích Nhà tù Côn Đảo và trường Lasal Teberd – nơi đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về, trong đó có Bác Tôn; gắn bia lưu niệm tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - nơi Bác Tôn học niên khóa 1915-1917, gắn bảng lưu niệm tại ngôi nhà số 35 đường Trần Phú (Hà Nội) - nơi Bác Tôn sống và làm việc từ năm 1959 đến năm 1980; phối hợp lập hồ sơ di tích tại Vĩnh Kim (Tiền Giang), xác định địa điểm và phối hợp lập hồ sơ di tích tại La Gi, La Gàn (Tuy Phong – Bình Thuận), tại xã Điềm Mặc (Định Hóa – Thái Nguyên), tại Sơn Dương, Tân Trào (Tuyên Quang) là những thí dụ cụ thể.
Cùng với sự phát triển của Bảo tàng, đội ngũ CCVC ngày một trưởng thành hơn về chuyên môn và ngày càng gắn bó, tâm huyết với nghề. Đến nay, gần 100% CCVC làm công tác chuyên môn có trình độ đại học và sau đại học và nhiệm vụ đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ được chú trọng để tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển bảo tàng trong thời gian tới.
Với những kết quả đó, Bảo tàng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (năm 2001) và Huân chương Lao động Hạng II (năm 2012). Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu của toàn thể CCVC đơn vị, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Trung ương, Thành phố, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cơ quan ngoại giao các nước Nga, Pháp tại TPHCM, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng, của gia đình Bác Tôn và các cộng tác viên thân thiết của Bảo tàng. Những phần thưởng cao quý trên là nguồn động viên to lớn đối với bảo tàng, đối với tất cả các thế hệ công chức viên chức của đơn vị đã cống hiến công sức của mình cho quá trình hình thành và phát triển của bảo tàng suốt 25 năm, là động lực và niềm tin để chúng tôi tiếp tục phấn đấu hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của bảo tàng trong thời kỳ hội nhập và phát triển bằng việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa thông qua cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tuy nhiên, Bảo tàng cũng nhận thức được rằng những kết quả trên còn khiêm tốn do đó hướng tới phải đặt trọng tâm vào công tác nghiên cứu, chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày về cuộc đời - sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các chuyên đề thường trực để thu hút công chúng song song với việc đẩy mạnh các hoạt động sưu tầm, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hoạt động xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để Bảo tàng là một trong những điểm đến hấp dẫn công chúng.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2013) cũng là dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo tàng mang tên Người (1988 – 2013), thay mặt toàn thể CCVC của Bảo tàng gửi lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc sức khỏe đến các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí lão thành cách mạng, các cơ quan, ban ngành của Trung ương và thành phố, đến gia đình của Bác Tôn, đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Cám ơn lãnh đạo Sở VH, TT & DL TPHCM và BGĐ Bảo tàng Tôn Đức Thắng qua các thời kỳ, những CCVC đã và đang công tác tại Bảo tàng trong suốt 25 năm qua đã quan tâm, chia sẻ, đóng góp trong việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Tôn Đức Thắng – một việc làm đầy trách nhiệm với các thế hệ ngày nay và mai sau. Đó cũng là thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Đến tham dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo tàng, GS. Vũ Khiêu đã tặng Bảo tàng hai câu đối. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trao tặng cho Bảo tàng năm đầu tư liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Nhân dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng khai mạc trưng bày chuyên đề "Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư" và phát hành tuyển tập ảnh về hiện vật về Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Một số hình ảnh trong Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng: