Tóm tắt các phòng trưng bày

Phòng “Tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng”
    Phòng được thiết kế, bày trí theo phong cách thờ cúng Nam bộ. Hai bên vách có hai bức tranh sơn mài tả cảnh ngôi nhà sàn, nơi Bác Tôn sống thời thơ ấu ở quê nhà tại Cù Lao Ông Hổ, Xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, Tỉnh An Giang và hình ảnh bến đò Ô Môi (bến đò từ Long Xuyên qua Cù Lao Ông Hổ).

 

TRƯNG BÀY THƯỜNG TRỰC: 7 phòng
    
    1. Phòng trưng bày: “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng”

    Trưng bày theo biên niên tiểu sử những mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng theo tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam giai đoạn cận hiện đại. Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày đã minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển tư duy, hành động và những sự kiện trọng đại trong suốt hơn 90 năm cuộc đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Từ thời niên thiếu ở quê nhà Long Xuyên, An Giang đến khi trở thành một nguyên thủ Quốc gia. Có thể nói, Chủ tịch Tôn Đức Thắng- Một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân nước ta, không chỉ thể hiện tài năng tổ chức của một nhà lãnh đạo mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về lý luận làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh và để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý giá, nhất là trong xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc. Người đã giành trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc , vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

 

    2. Phòng trưng bày: “Bác Tôn trong lòng nhân dân thế giới”
    Với cương vị là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô, Bác Tôn đã dành thời gian, công sức hoạt động, phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, vun đắp cho tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới, trở thành biểu tượng về tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Chính vì vậy, Bác Tôn được bạn bè thế giới kính trọng. Các Huân chương, huy chương và những tặng phẩm của các đoàn khách quốc tế, các nhà lãnh đạo cao cấp, các nguyên thủ quốc gia tặng Bác Tôn để ghi nhận công lao cũng như tình cảm của bạn bè thế giới dành cho Người. Đặc biệt, trưng bày mô hình sự kiện Bác Tôn kéo cờ ở Biển Đen để phản đối âm mưu can thiệp của các nước đế quốc chống nước Nga Xô viết, bảo vệ Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới.

 
    
    3. Phòng trưng bày: “Viên ngọc Côn Sơn”
    Nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, đặc biệt một góc trưng bày tổ hợp “ Hầm xay lúa”, một địa ngục của địa ngục trần gian, nơi giam cầm và đày ải thân xác những người tù mà bọn thực dân cho là  “bất trị” và “ nguy hiểm”, trong đó có Bác Tôn. Nhưng cũng chính nơi đây đã rèn luyện nên những người chiến sĩ kiên cường. Trong suốt 15 năm trong ngục tù Côn Đảo, những câu chuyện về  “Người cặp rằng” Hai Thắng ở Hầm xay lúa mãi mãi minh chứng cho tinh thần bất khuất của người cộng sản.

 

    4. Phòng trưng bày: “Bác Tôn tại ATK- Việt Bắc”
    Mô hình ngôi nhà sàn, với những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của Bác Tôn trong thời gian Bác từng sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Trưng bày giúp cho người xem hiểu rõ hơn về vai trò của Bác Tôn  trong suốt 09 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc nơi núi rừng Việt Bắc. Với cương vị Trưởng ban vận động thi đua ái quốc Trung ương cùng toàn thể nhân dân hiện thực hóa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch. Bác Tôn đã đặt nền tảng cho sức sống của thi đua yêu nước trở thành chính sách lớn, là văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam. Các hoạt động cảc Bác ở chiến khu Viêt Bắc gắn liền với một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX.

 

    5. Phòng trưng bày “Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”
    Thông qua không gian sống và làm việc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng những sưu tập những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, những trang phục, và bút tích của Bác Tôn, đặc biệt là bộ đồ nghề làm mộc và sửa xe thể hiện chất người thợ không phai nhạt ở Bác.
    Đạo đức cách mạng, tính giản dị, khiêm tốn là đặc trưng nổi bật trong phong cách và con người đồng chí Tôn Đức Thắng, tượng trưng cho những tinh hoa, phẩm chất cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam suốt đời vì nước, vì dân.

 

    6. Phòng trưng bày “Tái hiện làm việc và nghỉ ngơi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”
    Tái hiện không gian sống và làm việc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ năm 1958 đến 1980. Bảo tàng phục dựng lại căn phòng này theo cách bày trí những đồ dùng như bàn làm việc, tù sách, bộ bàn ghế…Làm người xem như được đến thăm chính căn phòng mà Bác Tôn đã từng làm việc và nghỉ ngơi ở 35 Trần Phú, Hà Nội.

 
    
    7. Phòng trưng bày “Bác Tôn qua các tác phẩm mỹ thuật”
    Trưng bày những tác phẩm Mỹ thuật được các tập thể, cá nhân, nghệ nhân thực hiện với tất cả tâm huyết và tấm lòng đã khắc họa nên chân dung Bác Tôn thật sống động, thật độc đáo với nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có những chất liệu mang đậm hương vị quê hương như: hạt lúa, hạt mè, gốm, sứ…, đã để lại cho nhân dân, đặc biệt là các thế hệ mai sau những tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc.




Các tin khác